Thị xã Trảng Bàng Tây Ninh

https://trangbang.tayninh.gov.vn


Giới thiệu chung - UBND phường An Tịnh

Giới thiệu chung - UBND phường An Tịnh
   Bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030

 

I. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÊN GỌI PHƯỜNG AN TỊNH QUA CÁC THỜI KỲ.

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi lên phía biên giới Campuchia theo quốc lộ 22 gần 45km qua địa phận xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi là đến xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (nay là phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng). An Tịnh là một trong những xã có dân cư phát triển nhanh và đông đảo tại Trảng Bàng. Đến khoảng cuối thế kỷ 19, làng An Tịnh có dân số lên đến gần 7.000 người, trở thành một làng trù mật nhất nhì trong tổng Hàm Ninh Hạ của huyện Trảng Bàng. Vào đầu thế kỷ XIX (năm 1809), mảnh đất này có tên là thôn Bình Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình. Đến năm 1818, thôn Bình Tịnh cắt một phần đất để thành lập làng Phước Lộc (xã Gia Lộc ngày nay). Sang năm 1836, thôn Bình Tịnh được đổi tên thành làng An Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Năm 1872, làng An Tịnh cắt phần đất Lò Mo, Tha La thành lập xã An Hoà ngày nay. Từ đó làng An Tịnh còn lại 3.492 mẫu (theo hoạ đồ của Pháp năm 1894).

Suốt thời kỳ từ năm 1872 đến năm 1955, khi Toàn quyền Pháp bỏ Ty hành chính Trảng Bàng, thành lập hạt Tây Ninh thì thôn An Tịnh được gọi là làng An Tịnh, vẫn thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng, hạt Tây Ninh.

Từ ngày 13/7/1961, huyện Trảng Bàng đổi thành quận Phú Đức, xã An Tịnh vẫn nằm trong tổng Hàm Ninh Hạ, quận Ph Đức.

Ngày 14/10/1963, chính quyền nguy Sài Gòn do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống ra sắc lệnh 124/NV thành lập tỉnh Hậu Nghĩa trên cơ sở sáp nhập 4 huyện Trảng Bàng (Phú Đức đổi tên sang), Củ Chi, Đức Hoà, Đức Huệ (diện tích khoảng 1600 km tỉnh lỵ là Khiêm Cương đặt tại Bàu Trai, dân số 176.148 người - thống kê năm 1965). Xã An Tịnh thuộc quận Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa và tồn tại đến năm 1975.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân phường An Tịnh đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước của dân tộc, cùng nhau đoàn kết đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, đóng góp nhiều công sức, của cải, máu xương cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận thành tích đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã An Tịnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 02 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

II. VỊ TRÍ – ĐỊA LÝ:

 An Tịnh nằm gần trung tâm thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của Tây Ninh trên quốc lộ 22 từ thành phố Hồ Chí Minh đi lên, là một trong 10 xã, phường của thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có vị trí địa lý:

-Phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh

-Phía tây giáp các phường An HòaGia Lộc và Trảng Bàng

-Phía nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An

-Phía bắc giáp phường Lộc Hưng.

III. DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ:

1. Diện tích tự nhiên:

 An Tịnh hiện có tổng diện tích tự nhiên là: 3329, 4 hecta;An Tịnh được chia thành 9 khu phố: Suối Sâu, Bàu Mây, An Đước, An Thới, An Bình, An Thành, An Khương, An Phú, Tịnh Phong.

2. Dân số:

Phường An Tịnh có 27.291 người của xã An Tịnh, mật độ dân số đạt 820 người/km².(tính đến thời điểm 31/12/2020).

IV. KHÁI QUÁT CHUNG

1.Về kinh tế - xã hội:

 An Tịnh nằm về phía đông nam Thị xã Trảng Bàng, là cửa ngõ tiếp giáp huyện Củ Chi – TPHCM, với diện tích tự nhiên 3329, 4 hecta, gồm 09 khu phố, quốc lộ 22 nay là đường Xuyên Á chạy ngang chia phường thành 02 khu vực. Khu vực phía đông nam 05 khu phố, khu vực phía Tây Bắc có 04 khu phố, có 5.554 hộ với 27.291 nhân khẩu.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của cấp trên và sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền phường và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, kinh tế của xã từng bước phát triển; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi hợp lý tạo năng suất và sản lượng, cuộc sống người dân ngày càng ổn định, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên. Hệ thống điện lưới quốc gia được phủ kín, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp cứng hóa trên 80%. Công tác thu thuế nộp ngân sách hàng năm đạt và vượt so kế hoạch; việc thu, chi ngân sách xã đảm bảo cân đối và tiết kiệm. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh. Đặc biệt, Khu Công nghiệp Trảng Bàng, khu chế xuất Linh Trung III thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm việc việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.

2.Về văn hóa - xã hội: Đảng ủy, chính quyền phường quan tâm thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, các điểm trường trong phường được đầu tư xây mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất đảm bảo cho nhu cầu dạy và học, huy động nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở theo quy định. Hiện trên địa bàn phường có 02 trường Trung học cơ sở, 04 trường Tiểu học và 01 Trường Mẫu giáo.

Hoạt động mạng lưới y tế từ phường đến khu phố thường xuyên được củng cố, chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được nâng lên, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện tốt. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 98,6 %. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được triển khai thực hiện có chất lượng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì ở mức ổn định.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân tham gia tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, tạo động lực quan trọng trong xây dựng khu dân cư, ấp văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa. Công tác thông tin, truyền thanh được duy trì thực hiện, thông tin kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước ra nhân dân. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức tạo sân chơi giải trí cho nhân dân trên địa bàn. Hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng được duy trì, có chất lượng.

Ủy ban nhân dân phường thường xuyên làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; quan tâm chăm lo tốt các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, các giải pháp giảm nghèo được chú trọng thực hiện tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, hiện tại phường An Tịnh không còn hộ nghèo trung ương, hộ nghèo 09 hộ/6453 hộ, tỷ lệ 0.14%, hộ cận nghèo 33 hộ/6453 hộ, tỷ lệ 0.51%

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây