Những điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021

Thứ năm - 07/04/2022 10:52 2.455 0
09 điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021
Những điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021

Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Những điểm mới trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP:

   1. Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

   Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP bổ sung chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó. Mức phạt áp dụng là mức phạt đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

   Còn đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Mức phạt áp dụng là mức phạt đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

   2. Quy định cụ thể lập biên bản vi phạm hành chính

   *Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính

   Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể  thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính. Trước đây, không quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính nên người có thẩm quyền từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản thời gian rất dài dẫn đến hành vi vi phạm hành chính tiếp diễn dẫn đến hậu quả rất lớn, khó khắc phục, cụ thể thời hạn lập biên bản như sau:

   - Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

   - Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

   - Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;

   - Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga;

   -Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.

   *Ký biên bản vi phạm hành chính

   Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất thành 02 bản, được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện người vi phạm của tổ chức ký, trường hợp người vi phạm không ký thì điểm chỉ, nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ phải cùng ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản.

   Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

   Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể chính quyền địa phương là cấp xã ký vào biên bản vi phạm hành chính và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.

   *Giao biên bản vi phạm hành chính

   Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản.

   3. Áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt

   - Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

    - Trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

   + Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt.

   + Nếu hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

   4. Về xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc

   -Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc sau:

   + Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.

   + Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.

   Nghị định 118/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

   5. Về áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

   Việc xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

   - Khi xác định mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhn vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng.

   + Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

   6. Các trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính

   *Người có thẩm quyền hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính

   Theo khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thẩm quyền hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:

   Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.

     08 trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính

   Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

   Thứ nhất, Không đúng đối tượng vi phạm;

   Thứ hai, Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;

   Thứ ba, Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;

   Thứ tư, Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

   Thứ năm, Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

   Thứ sáu, Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

   Thứ bẩy, Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm (khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

   Thứ tám, Trường hợp không ra quyết định xử phạt (khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

   (Bổ sung trường hợp không đúng đối tượng vi phạm; giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng đối với hành vi vi phạm hành chính; và các trường hợp không ra quyết định xử phạt khác tại khoản 1 Điều 65 so với quy định hiện hành tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP.

   Quy định hiện hành cũng cho phép tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

   - Có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định;

   - Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.)

   Những người có thẩm quyền nêu trên ra quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định có sai sót, nếu người đã ban hành quyết định không hủy bỏ quyết định khi thuộc một trong các trường hợp từ (1) đến (6) nêu trên.

   *Ban hành quyết định mới trong xử lý vi phạm hành chính

   Trong các trường hợp (1), (2), (3), (4), (5) nêu trên, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

   Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại mục số (8), nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc pháp luật có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới để tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

  (Hiện nay, trong trường hợp có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị khởi kiện, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp đó).

   7. Giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính

   Trước đây, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP không quy định về việc giao quyền cưỡng chế xử phạt Vvi phạm hành chính dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình cấp trưởng giao quyền cho cấp phó.

 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế. Cụ thể, người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.

   Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. 

   8. Bổ sung quy định trường hợp không xác định thời hạn hủy bỏ quyết định xử phạt

   * Thời hạn sửa đổi quyết định xử phạt là một năm

   Nghị định số 118/2021/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP về Thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền  ban hành quyết định có sai sót.

   * Các trường hợp không áp dụng thời hạn sửa đổi quyết định xử phạt

   Nghị định số 118/2021/NĐ-CP bổ sung quy định không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau:

   - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.

   - Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.

   - Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.

   - Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.

   * Thời hiệu thi hành quyết định sửa đổi, bổ sung

   Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 97/2017/NĐ-CP và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, quy định thời hiệu thi hành là 01 năm , kể từ ngày ra quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, quyết định mới. Tuy nhiên, bổ sung thêm trường hợp phải nhiều lần thực hiện việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, ban hành quyết định mới, thì thời hiệu là 02 năm, kể từ ngày ra quyết định được đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần.

   9. Về biểu mẫu:

   Theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, có 32 biểu mẫu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính (gồm 20 mẫu Quyết định, 11 mẫu Biên bản và 01 biểu mẫu khác).

   Theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, có 74 biểu mẫu mới sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính (tăng 42 biểu mẫu), gồm:

   *44 mẫu Quyết định, đơn cử như:

   - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (MQĐ01);

   - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sử dụng cho cả trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính) (MQĐ02);

   - Quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền (MQĐ03);

   - Quyết định giảm/miễn phần còn lại/miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính (MQĐ04);

   - Quyết định nộp tiền phạt nhiều lần (MQĐ05);

   - Quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất (MQĐ06);

   - Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần lương/một phần thu nhập (MQĐ07);...

   *30 mẫu Biên bản, đơn cử như:

   - Biên bản vi phạm hành chính (MBB01);

   - Ban bản làm việc (MBB02);

   - Biên bản phiên giải trình trực tiếp (MBB03);

   - Biên bản xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (MBB04);

   - Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (MBB05);…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,051
  • Tháng hiện tại44,408
  • Tổng lượt truy cập2,329,816

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây