Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng ngày 4/12/2017, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, liên quan đến kế hoạch triển khai số hóa truyền hình, theo kế hoạch vào ngày 31/12/2017 sẽ tắt sóng truyền hình analog tại Khánh Hòa và 7 tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, Tây Ninh có khó khăn do phải di dời trạm phát sóng từ núi Bà Đen về khu vực trung tâm nên hiện tại SDTV chưa triển khai xong máy phát sóng số tại Tây Ninh. Do đó, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có văn bản đề xuất Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình cho tắt sóng tại 7 tỉnh Bình Phước, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đúng kế hoạch vào 31/12/2017. Riêng tỉnh Tây Ninh sẽ tắt sóng sau khi SDTV triển khai xong máy phát sóng ở khu vực này.
VTV đang triển khai máy phát sóng số truyền hình mặt đất DVB-T2 tại TP Tây Ninh, vùng phủ sóng số DVB-T2 nhỏ hơn vùng phủ sóng analog khi đặt trạm phát sóng từ núi Bà Đen.
SDTV đang lắp thêm hai trạm ở TP Tây Ninh và Tân Hòa để bù lõm sóng cho hai địa phương này và một số xã giáp ranh thuộc tỉnh Bình Phước. Dự kiến trong tháng 12 sẽ phát sóng trạm ở TP Tây Ninh, còn trạm ở Tân Hòa đến cuối tháng 2/2018 mới xong.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đồng ý với đề xuất của Cục Tần số Vô tuyến điện, theo đó sẽ tắt sóng truyền hình analog tại 7 tỉnh theo đúng tiến độ. Riêng Tây Ninh, Bộ TT&TT sẽ có văn bản giao cho UBND tỉnh Tây Ninh được chủ động quyết định thời điểm tắt sóng, căn cứ vào tình hình thực tế triển khai lắp đặt máy phát sóng.
Kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đồng ý với phương án để cho UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thời hạn tắt sóng analog, tuy nhiên Bộ trưởng cũng nhấn mạnh SDTV phải lắp máy phát sóng số tại Tây Ninh trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngay sau khi hoàn thành trạm phát sóng, Tây Ninh phải tắt sóng truyền hình analog.
Hiện tại VTV, SDTV đang khẩn trương tăng tốc lắp đặt các trạm phát sóng truyền hình số DVB-T2 tại 8 tỉnh nói trên. Cho đến thời điểm này, 5 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, công tác triển khai phủ sóng truyền hình số không có gì khó khăn. Còn tại Bình Phước, Tây Ninh và Khánh Hòa công tác triển khai lắp các trạm bù sóng tại các khu vực lõm sóng khó có thể hoàn thành trước ngày 31/12.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty SDTV cho biết, SDTV đã phủ sóng truyền hình số tại 18/20 tỉnh Nam bộ, hiện chỉ còn 2 tỉnh Cà Mau và Tây Ninh. Dự kiến, tại Cà Mau 1 tuần nữa SDTV sẽ phát sóng số và tại Tây Ninh phát sóng trước ngày 20/12. Đến cuối tháng 12 sẽ phủ sóng toàn bộ 20 tỉnh Nam Bộ. Tây Ninh và Bình Phước, hiện SDTV có tiếp xúc trao đổi phương án hợp tác với hai tỉnh để lắp đặt trạm thứ 2 tại Tây Ninh và Bình Phước, ở Bình Phước thỏa thuận hợp tác khá thuận lợi, cơ bản có thể triển khai phát trạm thứ 2 ở Bù Gia Mập vào tháng 3/2018. Tây Ninh sau khi xong trạm TP Tây Ninh, đo lại vùng phủ sóng mới có cơ sở triển khai trạm thứ 2 tại Tân Hòa. SDTV sẽ phối hợp Đài PT-TH Tây Ninh để triển khai sớm trạm bù thứ 2, đây là trạm quan trọng phủ sóng toàn bộ vùng lõm ở Tây Ninh, dự kiến tháng 2/2018 sẽ hoàn thiện.
Ông Trần Quang Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV cho biết, hiện tại VTV đã lắp đặt các máy phát sóng số tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Dự kiến VTV sẽ lắp máy phát sóng ở Cà Mau trong tháng 12. Tại Sóc Trăng, Tây Ninh lắp xong máy phát, chờ ghép anten giữa tháng 12 sẽ hoàn thành.
Tại Khánh Hòa, VTV đã triển khai hai máy phát sóng số ở TP Nha Trang và huyện Vạn Ninh. Công ty SDTV đã lắp hai máy phát ở Nha Trang và Cam Ranh. Do đó, Cục Tần số Vô truyến điện đề nghị sẽ ngừng các máy phát sóng analog tại Nha Trang, Cam Ranh và Vạn Ninh. Triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các địa bàn thuộc vùng phủ sóng DVB-T2 tại 3 trạm phát sóng này. Còn tại các khu vực khác sẽ thực hiện ngừng phát sóng truyền hình analog trong thời gian tới.
Đối với hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, do có sự thay đổi vị trí lắp đặt trạm phát sóng truyền hình mặt đất, nên vùng phủ sóng và vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, Đài PT-TH Bình Phước đã thực hiện tắt sóng kênh truyền hình analog từ sau ngày 2/9/2017 và VTV đã tắt sóng các kênh analog của VTV ở Bình Phước được 2 ngày. Theo đại diện Đài PT-TH Bình Phước, do làm tốt khâu tuyên truyền cho người dân chuyển đổi sang thu xem truyền hình bằng các phương thức khác nên sau khi thực hiện tắt sóng analog, không có ý kiến người dân phản ánh.
Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc