Địa đạo An Thới thuộc ấp An Thới, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 1961-1965, Huyện ủy Trảng Bàng chỉ đạo tập trung lực lượng tổ chức xây dựng địa đạo liên hoàn tại ấp An Thới. Năm 1966-1968 địa đạo được phát triển dài thêm trở thành địa đạo chiến đấu. Địa thế nơi đây là vùng đất cao, xa mạch nước ngầm, đất rắn. Nhân dân ở đây trồng nhiều hàng tre gai và tầm vông, xen kẽ có nhiều khu đất còn giữ lại các loài cây cổ thụ, cây hoang dại, rừng chồi đã tạo ra một địa hình hiểm trở nhưng rất có ưu thế cho chiến tranh du kích.
Địa đạo được thiết kế theo hình chữ chi (Z), đào sâu từ 3- 4m, chiều rộng từ 0,8 – 1m, chiều cao đến đỉnh mái vòm từ 1,2-1,5m.
Ảnh: Tranh sơn dầu được vẽ lại cảnh tượng càn quét của Mỹ-ngụy
bị nhân dân Trảng Bàng đấu tranh chống lại trước xe bọc thép của địch.
Cấu trúc và bố phòng ở địa đạo An Thới là để chiến đấu. Vì vậy, hệ thống công sự trên mặt đất, giao thông hào, các đường di chuyển dựa vào địa hình các hàng tre gai hoặc tầm vông tạo thế liên hoàn. Địa đạo chỉ sử dụng khi cần rút lui để bảo toàn lực lượng hoặc thay đổi địa điểm chiến đấu (rút xuống nơi này, trồi lên nơi khác) để đánh địch. Do thế liên hoàn bố phòng trên mặt đất, phù hợp với địa hình cùng với địa đạo mà nhân dân An Thới, An Tịnh đã bám trụ, bẻ gãy nhiều cuộc càn dài ngày của địch. Cho nên, đia đạo An Thới còn được mệnh danh là “Bót Việt cộng”.
Ảnh: Một góc di tích địa đạo An Thới được bảo vệ, trùng tu nguyên trạng.
Địa đạo An Thới đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia tại Quyết định số 937/QĐ-BVHTT, ngày 23/7/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).