Đình Gia Bình tọa lạc tại ấp Chánh, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây NinhTrong cuộc Nam tiến của người Việt khai hoang mở đất vùng Tây Ninh, vùng đất Trảng Bàng là nơi cư dân Việt đến khai phá đầu tiên. Theo năm tháng nhân dân ta đã khai hoang một vùng đất rộng lớn, lập ra nhiều làng xã, và mỗi làng xã lại xây dựng một ngôi đình Trung để làm nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa và trọng tâm nhất là thờ Thành Hoàng Bổn cảnh, vị thần bảo hộ cho nhân dân địa phương. Những làng xã ấy là: Bình Tịnh sau đổi là An Tịnh.Đến năm 1818 nhân dân làng Bình Tịnh nhường một phần đất mới cho ông cả Đặng Văn Trước – cùng quy tụ dân khai hoang lập ra Phước Lộc thôn. Đến năm 1836 Bình Tịnh và Phước Lộc được đổi là An Tịnh và Gia Lộc, thuộc Bình Cách Trung tổng, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Đến năm 1872, một phần đất của xã An Tịnh được tách ra lập thành một làng mới là An Hòa. Cùng thời điểm đó có hai làng Gia Bình và Phước Hội, một trung tâm cư dân sát với An Hòa và Gia Lộc, nhân dân lập chợ, sửa sang đường sá và xây dựng hai ngôi đình là đình Gia Bình và đình Phước Hội.Như vậy từ một phần đất cổ An Tịnh, trong quá trình khai hoang đã lập ra thêm các làng xã và nhân dân đã xây dựng các ngôi đình cho làng xã mình. Đình Gia Bình được xây dựng trong bối cảnh đó, cách nay trên 100 năm.Đình Gia Bình được nhân dân địa phương xây dựng trong thời kì khai hoang lập ra làng xã, trước hết là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là nhân chứng xác định mốc lịch sử lập ra làng xã. Đình Gia Bình là nơi hội họp để bàn việc làng xã và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa.Đình Gia Bình đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 274/QĐ-CT ngày 27/12/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.