Đình Gia Lộc được xây dựng trên một gò đất cao với khuôn viên rộng 7200m2 tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, thị trấn huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh là ngôi đình xung quanh còn nhiều cây cổ thụ như: dầu, trâm, gõ, vên vên…trên 100 năm tuổi.
Đây là một trong những ngôi đình lớn và cổ nhất ở Tây Ninh được vua Bảo Đại (năm VIII) ban sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” cho vị Thành Hoàng Bổn Cảnh vào ngày 29/8/1933, thờ ông cả Đặng Văn Trước và các bậc tiền hiền người có công khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm.
Ảnh: Tượng mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo trong khuôn viên di tích
Trong cuộc Nam tiến, năm 1818, từ Bình Định ông cả Đặng Văn Trước cùng một số thân hào nhân sĩ ở tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương đến làng Bình Tịnh thuộc Tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) xin nhường một phần đất để lập ra làng Phước Lộc. Đến năm 1836 làng Phước Lộc đổi thành làng Gia Lộc (nay là xã Gia Lộc).
Ảnh: Tượng ông quy ( rùa) trong khuôn viên di tích
Hàng năm vào các ngày 14, 15, 16/3 âm lịch, đình Gia Lộc tổ chức Lễ hội Kỳ Yên thật long trọng và tôn kính, các nghi thức lễ hội được bảo tồn và từng bước phát triển. Lễ hội cúng đình là ngày hội lớn của nhân dân quanh vùng, là dịp để giao lưu văn hóa cổ truyền của cộng đồng, ôn lại lịch sử bằng các loại hình sinh hoạt văn hóa: bàn việc làng, việc nước, hát bội, cúng tế cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, dân làng được bình an, làm ăn được thịnh vượng, cầu cho quốc thái dân an.
Với ý nghĩa giá trị lịch sử văn hóa trên, đình Gia Lộc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số: 3211/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/1994 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Bên cạnh đó, Lễ hội Kỳ Yên ở đình Gia Lộc là lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số: 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/212 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.