Cái làm nên uy tín của người đảng viên (Tiếp theo và hết)

Thứ năm - 20/07/2023 10:42 126 0
Muốn lãnh đạo cách mạng thành công, bên cạnh phẩm chất chính trị, lòng trung thành, nhiệt tình cách mạng, Đảng phải có tri thức, nắm vững quy luật, biết vận dụng quy luật và có năng lực tổ chức.
Cái làm nên uy tín của người đảng viên (Tiếp theo và hết)

Đảng viên phải có kiến thức

Đổi mới là một cuộc vận động cách mạng toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cơ cấu kinh tế đến cơ chế quản lý, từ chế độ kinh tế đến hệ thống chính trị... Đó là một quá trình khó khăn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn.

Đổi mới đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, phá vỡ nhiều cái cũ, trong khi có những cái cũ đã tồn tại quá lâu, ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm, đã thành thói quen, thành cơ chế, chính sách rất khó sửa. Mặt khác, thế giới cũng đang chuyển mạnh trên con đường cải tổ và đổi mới, nhiều cái cũ bị đảo lộn, nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh, một số vấn đề phải trái, đúng sai dường như rất khó phân biệt, rất khó kết luận và xử lý.

Thời đại chúng ta lại là thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại tin học đạt nhiều thành tựu kỳ diệu, hằng ngày lượng thông tin ào ạt dồn đến rất nhanh và rất nhiều, đòi hỏi phải có trình độ thu nhận, phân tích và xử lý đúng đắn...

Trong tình hình đó, nếu cán bộ, đảng viên không có kiến thức, không có trình độ nhất định về các mặt văn hoá, khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật... thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm những sai lầm không thể tha thứ.

Không ít trường hợp đảng viên không phát huy được tác dụng, rơi vào tình trạng “trung bình", mất uy tín trước quần chúng, là do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Đã qua rồi cái thời hễ cứ là đảng viên, là cán bộ thì dường như có thể làm được mọi việc. Ngày nay, mỗi người đảng viên chỉ có thể khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín của mình trong quần chúng bằng sự kiên định, sự hiểu biết và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Lênin đã dặn đi dặn lại những người cộng sản Nga rằng, nếu chỉ có nhiệt tình và lòng dũng cảm không thôi thì không thể chiến thắng được chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mặc dù nhiệt tình cách mạng và lòng dũng cảm là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Để chiến thắng chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản còn phải có kiến thức, có trình độ văn hoá cao, có trí thông minh và năng lực làm việc. Muốn thế, phải không ngừng học tập, học tập một cách kiên trì và nghiêm túc, đừng bằng lòng với những kinh nghiệm của mình, kiêu ngạo cộng sản cũng là một tội ác.

Lênin nhấn mạnh rằng, những người cộng sản, dù đó là những người cộng sản đã từng làm cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng thấy trên thế giới, vẫn cần phải học tập, học tập ngay một người bán hàng tầm thường. Và Người sẵn sàng đổi một tá những người cộng sản kém hiểu biết để lấy một chuyên gia thành thạo công việc, dù đó là chuyên gia tư sản.

Đảng viên phải nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình, bằng lao động sáng tạo và có chất lượng cao của mình, góp phần xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu, làm giàu cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có bản thân.

Công cuộc xây dựng đất nước đang đòi hỏi mỗi đảng viên phải là một người lao động giỏi, lãnh đạo và quản lý giỏi trên lĩnh vực công tác được giao. Nếu trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, đảng viên nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giải phóng đất nưốc, giành chính quyền, thì ngày nay, đảng viên phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước, lao động giỏi, học tập giỏi, công tác giỏi, biết lãnh đạo quần chúng phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

“Có đồng chí cho rằng, trong điều kiện hiện nay mà nói như vậy là không thực tế, là đạo lý, hô hào suông, trong cuộc sống bây giờ có mấy ai làm như vậy. Có đồng chí nhấn mạnh một chiều lợi ích kinh tế, quyền lợi đảng viên mà không thấy đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ đảng viên. Vậy thì xin hỏi: ranh giới giữa đảng viên và người ngoài Đảng là ở đâu? Vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên là ở chỗ nào? Chính vì chạy theo lợi ích cá nhân, vun vén cho cá nhân, thậm chí chiếm công vi tư, đặc quyền đặc lợi, sống giàu sang trên sự nghèo khổ của người khác, nhẫn tâm trước những đau khổ của người khác, nhiều đảng viên đã mất hết uy tín trước quần chúng nhân dân. Thực tế đó chứng tỏ rằng cái làm nên uy tín đảng viên còn là sự gương mẫu, tinh thần hy sinh, tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Không có cái đó, đảng viên không thể có uy tín nào hết.

“Có đồng chí cho rằng, để lãnh đạo được kinh tế, đảng viên phải có óc kinh doanh, phải biết buôn bán, biết làm giàu, hơn nữa còn phải gương mẫu làm giàu. Điều đó đúng, hoàn toàn đúng. Đảng ta khuyến khích đảng viên biết làm giàu, nhưng đó phải là sự làm giàu chính đáng, bằng sức lao động của mình, không tham ô biển thủ, bóc lột người khác, không xà xẻo, chấm mút của công.

Những người lợi dụng chức quyền để kiếm chác, tham nhũng, bóc lột thì dù mang danh đảng viên, thực chất họ không còn là đảng viên. Họ còn ở trong Đảng chẳng qua là vì tổ chức Đảng nơi họ sinh hoạt đã kém đấu tranh, xuê xoa, nể nang hoặc vì sự vô nguyên tắc nào đó. Chừng nào còn như vậy thì sự trong sạch và uy tín của Đảng không tránh khỏi bị phá hoại.

Đảng viên phải có quan hệ tốt với quần chúng

Đảng ta đã xác định chế độ chính trị của nước ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy mạnh dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, ủng hộ, học tập những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, giúp đỡ quần chúng khi gặp khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một yêu cầu rất cần thiết đối với người đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Nó quyết định sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên, cũng có nghĩa quyết định uy tín của Đảng trong quần chúng.

Không phải ngẫu nhiên khi còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến vấn đề này, nói nhiều về vấn đề này. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi quan điểm và thái độ đúng đắn đối với quần chúng, coi việc tôn trọng quần chúng, học hỏi quần chúng, có quan hệ mật thiết với quần chúng là một vấn đề thuộc về phẩm chất, tư cách, đạo đức của đảng viên. Đương nhiên, trong quá trình phát huy dân chủ, phải chống thái độ theo đuôi quần chúng, mị dân, dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan. Dân chủ phải đi đôi với kỷ luật và pháp luật. Dân chủ không có nghĩa là tự do vô tổ chức, vô chính phủ.

Đảng viên phải có ý thức tổ chức kỷ luật

Sức mạnh của Đảng là ở tính thống nhất: thống nhất ý chí, thống nhất quan điểm, thống nhất hành động. Nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, bất cứ ở cương vị nào đều phải tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng viên có trách nhiệm tích cực tham gia thảo luận các vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng, có quyền chất vấn, tranh luận một cách thẳng thắn, đồng thời chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi đã thành quyết định của tập thể thì phải nghiêm túc chấp hành.

Nếu còn có ý kiến khác thì được bảo lưu hoặc trình bày, báo cáo lại theo đúng nguyên tắc tổ chức, đảng viên không được tự ý làm trái hoặc trì hoãn không thi hành nghị quyết của tập thể hoặc của cấp trên; không được phát ngôn bừa bãi hoặc truyền đạt những ý kiến, quan điểm riêng của mình ngoài các hội nghị của Đảng.

Xung quanh vấn đề này lâu nay vẫn tồn tại một ý kiến cho rằng, nếu trong trường hợp nghị quyết của tập thể hoặc của cấp trên sai thì xử trí ra sao? Trường hợp nghị quyết sai có thể có, và thực tế đã có, nhưng không phải là phổ biến và thường xuyên.

Ai cũng biết, mỗi quyết định, mỗi nghị quyết của Đảng thường được nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu. Đó là kết quả của trí tuệ tập thể, là kết tinh những nhận thức đúng đắn của tập thể, ít nhất cũng đến một thời điểm nào đó và trong đó có sự đóng góp của đông đảo đảng viên.

Trường hợp một đảng viên thấy nghị quyết là sai hoặc có điểm sai, thì thái độ đúng đắn nhất là kịp thời và thẳng thắn trình bày ý kiến của mình với tổ chức có thẩm quyền. Nếu ý kiến vẫn chưa được chấp nhận thì đảng viên đó có quyền được bảo lưu, nhưng phải phục tùng tổ chức, phải thi hành nghị quyết của tổ chức.

Rồi qua thực tế thực hiện nghị quyết, cuộc sống sẽ kiểm nghiệm và khẳng định chân lý thuộc về ai, lúc đó sẽ có sự điều chỉnh cần thiết. Không như vậy thì Đảng (hay bất cứ tổ chức chính trị nào khác) không còn là một tổ chức thống nhất, nó sẽ chỉ là câu lạc bộ bàn cãi suông, không có sức lãnh đạo và chiến đấu.

Việt Đông

Nguồn BTNO

Tác giả: quantritrangbang quantritrangbang

Nguồn tin: www.tayninh.dcs.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay1,902
  • Tháng hiện tại80,549
  • Tổng lượt truy cập2,174,532

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây