Đề cương Luật Sở hữu trí tuệ

Thứ năm - 06/10/2022 08:50 1.009 0
Đề cương Luật Sở hữu trí tuệ
Đề cương Luật Sở hữu trí tuệ
Đề cương Luật Sở hữu trí tuệ

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VĂN BẢN

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật chuyên ngành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của công cuộc cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Mục đích

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

2. Quan điểm chỉ đạo

- Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã có từ trước; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự tương thích với các điều ước quốc tế có nội dung về SHTT mà Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung

 Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm:

1.1 Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan;

1.2 Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước;

1.3 Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp;

1.4 Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

1.5 Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ;

1.6 Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

1.7 Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

2. Bố cục

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019

Luật sửa đổi, bổ sung 80 điều của 14 chương (Chương II, III, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XVI, XVIII), cụ thể như sau: 

- Sửa đổi, bổ sung 67 điều: Điều 3, 4, 20, 21, 22, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 35, 36, 49, 50, 52, 55, 56, 60, 72, 73, 74, 75, 79, 80, 86, 88, 92, 95, 96, 97, 100, 103, 106, 109, 110, 112, 117, 121, 123, 124, 125, 128, 130, 139, 145, 146, 151, 153, 154, 155, 157, 158, 163, 165, 171, 176, 186, 188, 190, 198, 201, 211, 213, 216;

- Bổ sung 01 mục: Mục 5 Chương VIII;

- Bổ sung 13 điều: Điều 56a, 86a, 89a, 112a, 119a, 120b, 120c, 128a, 131a, 133a, 136a, 198a, 198b

Sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Sở hữu trí tuệ có 18 chương và 235 điều (giữ nguyên số chương và tăng 13 điều so với Luật hiện hành)

Điều 2: Bãi bỏ khoản 19 Điều 4, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Sở hữu trí tuệ

Điều 3: Điều khoản chuyển tiếp

Điều 4: Hiệu lực thi hành

Sau đây tôi xin tóm lược các điểm mới của Luật SHTT như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ

Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, đã thay đổi một số từ ngữ sau đây:

- Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.

(Hiện hành, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn)

- Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng bản sao dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý.

(So với hiện hành, thay bổ sung cụm từ hình thức của bản sao là bất kỳ hình thức nào)

- Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

(So với hiện hành, không còn quy định một hay nhiều bản sao, thay vào đó bổ sung quy định đối với việc tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm; không còn quy định cụ thể bao gồm hình thức điện tử)

- Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao. (Điểm mới)

- Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. (Điểm mới)

- Biện pháp công nghệ hữu hiệu là biện pháp công nghệ bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc cơ chế kiểm soát sao chép. (Điểm mới)

- Thông tin quản lý quyền là thông tin xác định về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và các điều kiện khai thác, sử dụng; số hiệu, mã số thể hiện các thông tin nêu trên. Thông tin quản lý quyền phải gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được truyền đến công chúng. (Điểm mới)

- Truyền đạt đến công chúng là việc truyền đến công chúng tác phẩm; âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện của âm thanh, hình ảnh được định hình trong bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng. (Điểm mới)

- Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. (Điểm mới)

- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

(Hiện hành, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này)

- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”;

(So với hiện hành, thay “người tiêu dùng” bằng “bộ phận công chúng có liên quan”)

- Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau. (Điểm mới)

2. Bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả

Tại Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định tác giả, đồng tác giả như sau:

- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm.

(So với Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định không còn quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm; không còn quy định rõ tác phẩm là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học)

Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.

(So với hiện hành tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học)

- Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.

- Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác. (Điểm mới).

3. Bổ sung quyền nhân thân của tác giả

Tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định quyền nhân thân của tác giả như sau:

Cụ thể, quyền nhân thân của tác giả bao gồm:

- Đặt tên cho tác phẩm.

Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; (Điểm mới)

- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;

Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc;

Không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

4. Bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả

Tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả như sau:

- Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:

+ Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;

(So với hiện hành, bổ sung trường hợp dùng cho học tập; bổ sung yêu cầu các trường trên phải không nhằm mục đích thương mại; bổ sung trường hợp loại trừ)

+ Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; (Điểm mới)

+ Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;

+ Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước; (Điểm mới)

+ Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

Để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;

+ Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm:

Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ;

Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập;

Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện:

Số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;

(Bổ sung quy định đối với số lượng người đọc tại cùng một thời điểm)

+ Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;

+ Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;

+ Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;

+ Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền; (Điểm mới)

+ Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;

(So với hiện hành, bổ sung hành vi chụp ảnh)

+ Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

- Việc sao chép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.

5. Thay đổi trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan

Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

+ Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan;

+ Thời gian hoàn thành; (Điểm mới)

+ Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng;

+ Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh;

+ Thời gian, địa điểm, hình thức công bố;

+ Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.

(So với hiện hành, thêm thông tin về cấp lại, cấp đổi)

+ Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ. (Điểm mới)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

- Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Lưu ý: Tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 50 nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.

6. Bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

(So với hiện hành, bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính)

7. Bổ sung quyền đăng ký là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Tại Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước như sau:

- Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:

+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước;

+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước;

+ Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký quy định nêu trên.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Người thực hiện:

Võ Văn Quang – Báo cáo viên pháp luật thị xã Trảng Bàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay1,237
  • Tháng hiện tại44,594
  • Tổng lượt truy cập2,330,002

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây