BẢNG ĐỒ
I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy văn:
- Vị trí địa lý:
- Xã Gia Bình có 3.180 hộ/12.475 nhân khẩu, gồm 5 ấp: ấp Chánh, Phước Hiệp, Phước Hậu, Bình Nguyên 1, Bình Nguyên 2. Có tứ cận như sau:
- Phía Bắc : giáp huyện Gò Dầu – Tây Ninh.
- Phía Tây và Nam : giáp hai xã An Hòa, Gia Lộc.
- Phía Đông : giáp xã Gia Lộc.
b. Điều kiện tự nhiên:
- Xã Gia Bình có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ hướng Tây Bắc về hướng Nam, Tây Nam, hướng dốc về phía sông Vàm Trảng, cao dần về hướng Tây Bắc của xã. Địa hình tương đối bằng phẳng là những yếu tố rất thuận lợi cho bố trí sử dụng đất cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
- Địa hình bậc thang có 205,94 ha chiếm 17,11% tổng diện tích tự nhiên của xã, phân bố tập trung ở ấp Phước Hậu và ấp Chánh. Trên địa hình cao, ruộng bậc thang khó giữ nước, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là trong bố trí sản xuất tăng vụ.
- Khu vực có địa hình cao: 212,19 ha, chiếm 17,63% tổng diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung ở các ấp Bình Nguyên I và Bình Nguyên II. Địa hình cao thuận lợi cho xây dựng nhà ở và công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Đất phù sa loang lỗ đỏ vàng, có diện tích 274,6 ha chiếm 22,81% thuận lợi cho việc trồng trọt và bố trí 3 vụ lúa trong năm.
- Đất phù xa loang lỗ đỏ vàng trên địa hình thấp có 499,27 ha chiếm 39,81% so với tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung phía tây ấp Bình Nguyên I và II, giáp xã An Hòa. Địa hình thấp nên rất thuận lợi cho việc sản xuất 3 vụ lúa trong năm, nhưng hạn chế đối với các loại cây trồng cạn và trong xây dựng.
- Khí hậu: Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và nhiệt độ cao.
- Lượng mưa tương đối lớn nhưng phân bố không đều, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình năm từ 1.800 – 2.200mm, lượng mưa cao nhất 2.346mm và thấp nhất 1.357mm.
- Độ ẩm không khí bình quân 78%, cao nhất 86%, thấp nhất 70%.
- Nhiệt độ trung bình hàng năm 27,5oC, cao nhất 32oC, thấp nhất 23oC.
- Gió: gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Tốc độ gió trung bình 1,7m/s – 3,0m/s.
- Nguồn nước tưới quan trọng từ hồ Dầu Tiếng đổ vào 2 kênh KN20.14, K18.14.9 tưới cho cánh đồng ấp Chánh, Phước Hiệp và ấp Phước Hậu.
- Kênh Bàu xe Gãi, kênh 4, kênh Xáng Múc phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng ấp Bình Nguyên I, Bình Nguyên II.
II. Chức năng, vai trò:
- Xã Gia Bình là xã ngoại thành của thị xã Trảng Bàng và là xã nằm trong vùng động lực phát triển của huyện Trảng Bàng, là xã có khả năng đô thị hóa cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế công nghiệp, TMDV.
III. Diện tích tự nhiên và cơ cấu các loại đất:
- Căn cứ kết quả kiểm kê đất đai năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố, Xã Gia Bình hiện có tổng diện tích tự nhiên là: 12,0071 km2, cơ cấu các loại đất như sau:
- Nhóm đất nông nghiệp: có diện tích 973,9ha (9,739km2), chiếm tỷ lệ 81,11% so với tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Trong đó bao gồm:
- Đất sản xuất nông nghiệp: Diện tích 969,38 ha (9,6938 km2 chiếm tỷ lệ 80,73% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. ), (Tổng S Đất trồng lúa: 730,14ha; chuyên lúa: 695,84ha; lúa khác: 34,3ha )
- Đất nuôi trồng thủy sản: Diện tích 4,51ha (0,0451 km2), chiếm tỷ lệ 0,38% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
- Nhóm đất phi nông nghiệp: Diện tích 226,81ha (2,2681 km2), chiếm tỷ lệ 18,89% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Trong đó bao gồm:
- Đất ở tại nông thôn: Diện tích 91,35ha (0,9135 km2), chiếm tỷ lệ 7,61% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
- Đất chuyên dùng: Diện tích 99,05ha (0,9905 km2), chiếm tỷ lệ 8,25% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa: Diện tích 11,87ha (0,1187 km2), chiếm tỷ lệ 0,99% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: Diện tích 17,65ha (1,1765 km2), chiếm 1,47% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
- Đất có mặt nước chuyên dùng: 3,39ha (0,0339 km2), chiếm 0,28% tổng diện tích tự nhiên toàn xã.
IV. Dân số và cơ cấu thành phần dân cư:
(độ tuổi; dân số nội thành, nội thị; thành phần dân tộc; lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp)
a. Dân số và cơ cấu dân số.
a.1. Dân số quản lý hộ khẩu, hộ tịch của xã Gia Bình tính đến 31/12/2018 là: 12.475 người, trong đó:
- Dân số thực tế thường trú theo số liệu thống kê là 11.790 người; dân số đi làm ăn xa, học sinh, sinh viên,... là 685 người, dân tộc thiểu số 06 người (01 người Chăm, 05 người Hoa).
- Theo độ tuổi: Trong độ tuổi lao động có 7.616 người/12.475 người.
- Theo đạo Thiên chúa giáo có 600 người, chiếm 4,8%.
- Theo thành phần dân tộc: Kinh có 12.469 người, Hoa có 05 người, Chăm có 01 người.
a.2. Xã Gia Bình hiện có 5 ấp, cụ thể là:
- Ấp Chánh, có 3.239 người;
- Ấp Phước Hiệp, có 1.746 người;
- Ấp Phước Hậu, có 2.224 người;
- Ấp Bình Nguyên 1, có 2.816 người;
- Ấp Bình Nguyên 2, có 2.450 người;
b. Lao động:
Tổng số lao động hiện có: 6.616 người, trong đó:
- Lao động nông nghiệp: 1.249 người.
- Lao động phi nông nghiệp: 5.367 người.
V. Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh và tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tại địa bàn:
a. Tình hình phát triển kinh tế:
a.1. Về kinh tế
- Giá trị sản xuất năm 2018 đạt 1,153,241 tỷ đồng. Trong đó:
- Thương mại – dịch vụ: 109,330 triệu đồng.
- Công nghiệp – TTCN và xây dựng: 766,264 triệu đồng.
- Nông nghiệp: 277,647 triệu đồng.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo: 0,6%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 0,8‰/năm
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế:
Giai đoạn 2016 – 2018 đạt là 6,5%, nhịp độ tăng trưởng qua các năm:
Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2018
Đơn vị tính : %
Năm | 2016/2015 | 2017/2016 | 2018/2017 |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo GDP) | 6,2 | 7,1 | 7,4 |
Công nghiệp - TTCN và xây dựng | 8 | 26 | 29 |
Thương mại - dịch vụ | 3,7 | 4,3 | 5,6 |
Nông nghiệp - thủy sản | 4,1 | 2,3 | 1,7 |
- Về cơ cấu kinh tế:
Bảng 2: Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2018
Đơn vị tính: %
Năm | 2016 | 2017 | 2018 |
Tổng cộng | 100 | 100 | 100 |
Công nghiệp - TTCN và xây dựng | 63,70 | 63,95 | 66,44 |
Thương mại - dịch vụ | 8,28 | 9,82 | 9,48 |
Nông nghiệp - Thủy sản | 28,01 | 26,23 | 24,08 |
Thu chi ngân sách đến 31/12/2018:
- Thu ngân sách: 45.062.955.000đ.
- Chi ngân sách: 5.354.799.345đ.
a.2. Một số kết quả đạt được trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Thương mại - dịch vụ chiếm 13%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 13%; nông nghiệp - thủy sản chiếm 74%.
- Hoạt động thương mại - du lịch, dịch vụ:
Giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt 1.153,241 tỷ đồng năm 2018, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm 2017; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ - thương mại đạt 109,330 triệu đồng. Các loại hình TM - DV ngoài quốc doanh tiếp tục phát triển cả về số lượng và số vốn đăng ký. Hiện tại, trên địa bàn có 65 doanh nghiệp, 604 hộ cá thể. Trong năm 2018 có 58 cơ sở kinh doanh cố định.
Mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn đã được quy hoạch đến năm 2020. Duy trì hoạt động có hiệu quả các chợ, triển khai diện rộng các tổ dân phố. - Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2018 đạt 766,264 triệu đồng. Một số sản phẩm vẫn duy trì được đà tăng trưởng và là thế mạnh như: đan lát, tráng bánh tráng, muối - Nông nghiệp - thủy sản:
Giá trị sản xuất đạt 277,647 triệu đồng năm 2018. Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 85 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân đạt 70 tạ/ha.
Cơ cấu kinh tế là xã nông nghiệp, vì thế nông nghiệp sản xuất lúa và rau màu là ngành chính, vì vậy nông nghiệp chiếm 80%;
Về chăn nuôi: Mặc dù vẫn còn dịch bệnh xảy ra nhưng vẫn duy trì được đàn gia súc, gia cầm. Giá trị ngành chăn nuôi đạt 61,915,281 triệu đồng, chiếm 22,3% giá trị kinh tế toàn xã, chăn nuôi tập trung heo, gà, vịt. Tốc độ tăng trưởng đạt 15%/ năm.
b. Tình hình phát triển văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh và tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị:
b.1. Cơ sở hạ tầng: - Về nhà ở:
- Xã có 3.180 ngôi nhà, với tổng diện tích sàn khoảng 318.000m2, đạt bình quân: 25,49m2/người; trong đó: nhà kiên cố (3.172 ngôi nhà) chiếm tỷ lệ 99,74%.
- Đất dành riêng cho xây dựng dân dụng là 91,35ha (913.500m2); đạt bình quân 73,23 m2/người.
- Đất dành riêng cho xây dựng các công trình phục vụ công cộng là 90,75ha (907.500m2); đạt bình quân 72,75m2/người. - Công trình công cộng
- Hệ thống cơ sở y tế: xã có 01 trạm y tế, 10 hiệu thuốc.
- Hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo: Có 01 trường mẫu giáo, 02 trường tiểu học, 01 trường THCS.
- Cơ sở văn hóa: Có 01 trung tâm văn hóa học tập cộng đồng.
- Thể dục thể thao: Có 01 sân vận động phục vụ nhu cầu thể thao của nhân dân trên địa bàn.
- Trung tâm thương mại, dịch vụ: Có 01 chợ Gia Bình tại ấp Chánh, trung tâm thương mại. Các chợ gắn với các trung tâm xã, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản, hàng tiêu dùng và các dịch vụ sản xuất, sinh hoạt đa dạng, phong phú, đã làm thay đổi một phần bộ mặt nông thôn hiện nay. - Về giao thông:
- Đường bộ:
Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn khoảng 28,7 km (28.700m) với tổng diện tích khoảng 114.800 m2. Trong đó các tuyến đường giao thông đối ngoại dài khoảng 8km với diện tích khoảng 56.000m2. Cụ thể như sau:
+ Giao thông đối ngoại:
Quốc lộ 22 đoạn qua xã dài khoảng 3.34km; Đường tỉnh 782 đoạn qua xã Gia Bình dài 2.37km; đường Bình Nguyên nối từ quốc lộ 22 đi xã An Hòa và về sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua xã gia bình dài 2.56km; Đường Bình Nguyên I: dài 1.7 km; Đường Bình Nguyên II: dài 1.9 km; Đường Phước Hậu: từ QL.22 đến ĐT.782, dài 2.25km; Đường Phước Hậu 1: từ đường Phước Hậu đến ĐT.782, dài 1.7km; Đường Bình Thuỷ : từ QL.22 đến ranh xã an Hoà dài 450m; Đường Xe Làng: từ QL.22 đến đường Phước Hậu, dài 1.1km.
+ Giao thông đối nội: Hệ thống đường nông thôn gồm 24 tuyến với tổng chiều dài 10,3 km, chiều rộng mặt từ 2,0-4,0m, nền rộng từ 3,0-5,0m, toàn bộ là đường đất và CPSĐ với chất lượng ở mức độ trung bình. Chiều dài các tuyến đường rất ngắn hầu hết dưới 0,5 km, hệ thống đường xã phân bố không đều, tập trung chủ yếu dọc theo các tuyến đường huyện.
+ Giao thông đường thủy: Các tuyến sông Vàm Trảng, rạch Rỗng Tượng, Bà Cả, Rạch Môn cũng góp phần trong việc vận chuyển nông sản, cây trồng và việc đi lại của người dân địa phương.
- Về cấp nước
Trên địa bàn xã không có trạm cấp nước, đa số các hộ dân sử dụng nước giếng khoan nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. - Về thoát nước
Khu vực trung tâm thoát nước thải chủ yếu dựa vào hệ thống thoát nước mưa theo hệ thống cống dọc theo các trục đường giao thông và đổ ra hệ thống sông, rạch. Hệ thống thoát nước chủ yếu được sử dụng các loại cống hỗn hợp, các mương, rãnh thoát nước. - Về cấp điện
Nguồn điện cung cấp trực tiếp cho khu vực là trạm 220KV Trảng Bàng công suất 2x250MvA, trạm biến áp 110kV KCN Trảng Bàng 2x40MvA và trạm biến áp 110kV Trảng Bàng công suất 2x40 MvA.
Về mạng lưới điện đã đầu tư cải tạo, sửa chữa xây dựng mới các công trình hạ thế lưới điện gồm các cáp điện áp 22KV, 0,2KV và 0,4KV,…lắp đặt hệ thống chiếu sáng 03 tuyến đường dài 900m, khoảng hơn 30 bóng đèn tại ấp Chánh (02 tuyến) và ấp Phước Hậu (01 tuyến) trong thời gian tới xã sẽ lắp đặt thêm hệ thống đèn đường chiếu sáng đạt yêu cầu chất lượng và thẩm mỹ đô thị, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt trên toàn xã đạt 100%.
Đến nay mạng lưới điện trong xã đã được cải thiện, toàn bộ các hộ dân và nơi sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp đã được sử dụng điện. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nâng cao dân trí và hoạt động của các cơ quan hành chính cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của xã. Ngoài ra, hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được xây dựng trên các trục đường chính, nơi sản xuất, khu và cụm công nghiệp, Tuy nhiên để định hướng phát triển đô thị, cần có quy hoạch hệ thống cấp điện hoàn chỉnh trong tương lai. - Hệ thống thông tin bưu chính viễn thông
- Về bưu chính: Có 01 điểm bưu điện văn hóa xã; 03 điểm truy cập internet; có 12.702máy điện thoại, trong đó máy cố định: 1000 máy, thuê bao di động:11.702 máy, mật độ 80 máy/100 dân.
- Cây xanh, thu gom rác thải
- Rác thải: 1,5tấn rác thải dân cư có 100% được xử lý, rác thải y tế được xử lý 100%.
b.2. Văn hóa xã hội:
- Phát triển văn hoá:
Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, thể dục thể thao tiếp tục phát triển; tỷ lệ gia đình văn hoá 96%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá 100%; Phong trào Thể dục - Thể thao gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên địa bàn tiếp tục được hưởng ứng sôi nổi và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. - Phát triển giáo dục:
Chưa xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố trên 100%; Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư. - Phát triển y tế:
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có chuyển biến tích cực. Năm 2018 đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 2.489 lượt người; điều trị nội trú 0 lượt người; ngoại trú 2.489 lượt người; 100% trẻ dưới 06 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Đến nay trên địa bàn xã có 05/05 ấp được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế, đạt 100% - Thực hiện chính sách xã hội:
Quan tâm thực hiện tốt chính sách xã hội; chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng và trợ cấp cộng đồng; hỗ trợ hộ nghèo ...
Giải quyết việc làm cho lao động, tích cực phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện hỗ trợ kinh phí cho người lao động tham gia đào tạo nghề...
Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em được quan tâm thường xuyên. Đã cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; phối hợp với các đơn vị tặng học bổng và xe đạp cho trẻ mồ côi, trẻ em nghèo; tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán.
Đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS trên địa bàn; lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
b.3. An ninh - quốc phòng
Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân khu và Bộ CHQS tỉnh trong lực lượng quân sự. Duy trì các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên điều chỉnh bổ sung các kế hoạch, phương án.
Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên: Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 100% so với dân số, lực lượng dự bị động viên biên chế đủ theo chỉ tiêu tỉnh giao.
Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, giáo dục quốc phòng: Thực hiện tốt đối với các đối tượng 2,3,4,5, đạt 100% chỉ tiêu.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ, phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật và quản lý, giáo dục, cảm hoá đối tượng tại cộng đồng dân cư... tiếp tục được duy trì thường xuyên và đạt kết quả, nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên. Qua đó góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị và TTATXH ở địa phương; đã kiềm chế và giảm số vụ phạm pháp hình sự. Giải quyết cơ bản các tụ điểm về tệ nạn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao.
Lực lượng Quân sự và Công an xã đã thực hiện tốt kế hoạch phối hợp, đồng thời phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
b.4. Về tổ chức bộ máy cán bộ, công chức
- Biên chế tỉnh giao: 23 người.
- Biên chế hiện có 22/23 người, trong đó: Chuyên trách: 11/11 người; công chức: 11/12 người.
- Thành viên Uỷ ban nhân dân: 4 người.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Quy định: 28 người; hiện có: 28 người.
Trên đây là một số nội dung tổng hợp tình hình hiện trạng của xã Gia Bình phục vụ công tác lập đề án thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường thuộc thị xã Trảng Bàng trên cơ sở mở rộng địa giới hành chính thị trấn và xã/phường trên địa bàn huyện Trảng Bàng.
Trân trọng!