Báo cáo tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 trên địa bàn thị xã Trảng Bàng

Thứ tư - 27/10/2021 00:00 430 0

Báo cáo tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao   động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19  trên địa bàn thị xã Trảng Bàng

Thực hiện Công văn số 3866/SLĐTBXH-VL ngày 22/10/2021 của Sở Lao động Thương binh và XH về việc báo cáo việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19.

Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng báo cáo kết quả thực hiện như sau:

A. Tình hình và kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg:

I. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện:

         - Ngay khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 04/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh về việc hổ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và một số đối tương đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Hướng dẫn số 1896/HD-SLĐTBXH ngày 23/7/2021 của Sở Lao động Thương binh và XH tỉnh v/v thực hiện Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh; Hướng dẫn số 1815/SLĐTBXH-DN ngày 15/7/2021 của Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Tây Ninh v/v hướng dẫn hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021. Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh Tây Nịnh v/v sửa đổi bổ sung một số nội dung Điều 1 của QĐ 15/2021/QĐ-UBND; Hướng dẫn số 3078/HD-SLĐTBXH ngày 1/9/2021 về chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và một số đối tương đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

          UBND Thị xã Trảng Bàng đã xây dựng Kế hoạch số 2860/KH-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2021 v/v triển khai một số chính sách hổ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và chỉ đạo Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, phường tiến hành rà soát các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết và Quyết định.

2. Công tác thông tin và tuyên truyền:

           Công tác tuyên truyền đã được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức thông qua các kênh và loại hình thông tin đại chúng. Trung tâm Văn hóa –thể thao và Truyền thanh phát sóng, thông tin trên đài về nội dung các Nghị quyết; Quyết định của Chính phủ và UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các hướng dẫn của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Tây Ninh. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong các cấp hội và quần chúng nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin các chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID 19 theo Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh.

           3. Công tác kiểm tra, giám sát

          Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện thường xuyên qua đó đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

          4. Công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, các xã, phường:

          Các phòng, ban ngành, đoàn thể thị xã, UBND các xã, phường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với nhau thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ trong đoàn viên, hội viên, nhân dân, các doanh nghiệp và trong công tác thẩm định các hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách của các nhóm đối tượng, nếu có khó khăn, vướng mắc thì cán bộ phụ trách tại ấp, khu phố báo cáo lên lãnh đạo UBND các xã, phường ghi nhận và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo phòng Lao động thương binh xã hội thị xã qua Zalo, điện thoại để được hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn

   II. Kết quả triển khai thực hiện;

  1. Chính sách giảm mức đóng BHTNLĐ, BNN:

Ngành BHXH chủ động giảm mức đóng BHTNLĐ, BNN hằng tháng đối với đơn vị đủ điều kiện theo quy định, đơn vị không phải lập hồ sơ đề nghị, kết quả thực hiện (đến 22/10/2021):

- Số đơn vị: 454 đơn vị, với 27.540 lao động, Tổng số tiền: 3.902.714.696 đồng

- BHXH phê duyệt: 454 đơn vị với 27.540 lao động với tổng số tiền 3.902.714.696 đồng

- Đạt 21,24% so với dự kiến (giảm 12 tháng từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022 dự kiến 18.376.720.661 đồng).

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Số đơn vị đề nghị: 01 đơn vị, với 4.025 lao động, Tổng số tiền: 5.758.333.955 đồng

- BHXH phê duyệt: 4.025 lao động, với tổng số tiền: 5.758.333.955 đồng

3. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương:

 - Tính đến nay, UBND thị xã đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 2.138 người (trong đó có 187 trẻ em, 9 phụ nữ mang thai) với số tiền: 8.341.560.000đ. Đã được UBND tỉnh phê duyệt 12 người (trong đó có 2 trẻ em) với số tiền 46.520.000 đồng. Đã chi xong, chiếm tỉ lệ 0,02% so với dự kiến (43.913 người)

            - Số còn lại chưa được phê duyệt: 2.126 người với số tiền 8.295.040.000đ.

4. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc:

 - Số hồ sơ UBND thị xã đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ: 04 người, với số tiền 4.000.000đ, đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt 01 người với số tiền 1.000.000đ, đã chi xong, chiếm tỉ lệ 0,008% so với dự kiến (12.000 người)

- Số còn lại chưa được phê duyệt: 03 người với số tiền 3.000.000đ.

5. Chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, người thực hiện cách ly y tế.

- Hỗ trợ tiền ăn 80.000đ/người/ngày cho người điều trị và người thực hiện cách ly y tế, trẻ em: UBND thị xã đã đề nghị 4.584 người (trong đó có 382 trẻ em), số tiền: 6.299.420.000đ. Đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt 2.431 người với số tiền 3.536.440.000đ (trong đó có 65 trẻ em). Đã chi xong, chiếm tỉ lệ 40,51% so số dự kiến (6.000 người).

- Số còn lại chưa được phê duyệt: 2.153 người với số tiền 2.762.980.000đ

6. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: đến nay đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 32 hộ, số tiền 96.000.000đ, đang chờ UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

7. Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác:

- Tính đến ngày 22/10/2021: tổng số đề nghị 18.746 lao động với số tiền 28.191.000.000đ (trong đó lao động tự do là: 17.061 lao động; người bán vé số lẻ là: 1.685 người). Đã được UBND tỉnh phê duyệt 14.174 lao động với số tiền 21.261.000.000đ, chiếm tỉ lệ 59,55% so với dự kiến (23.800 người)

 + Trong đó nhóm lao động tự do (khác) là:  17.061 lao động với số tiền 25 591.500.000đ. Đã được UBND tỉnh phê duyệt 12.506 người, số tiền là 18.759.000.000đ. Đã chi xong

  Số còn lại chưa được phê duyệt: 4.555 người với số tiền 6.832.500.000đ

+ Chính sách hỗ trợ người lao động là người bán vé số lẻ: đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 1.685 người, số tiền 2 .527.500.000đ, đã được UBND tỉnh phê duyệt 1.668 người, số tiền 2.502.000.000đ, đã chi xong.

- Số còn lại chưa được phê duyệt: 17 người với số tiền 25.500.000đ.

8. Chính sách hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp:

 - Số đơn vị đề nghị: 62 đơn vị, với 8.003 lao động;

- BHXH phê duyệt: 46 đơn vị với 4.365 lao động với tổng số tiền: 9.613.250.000đ. Đạt 10,33% so với dự kiến về số người (dự kiến 42.237 người)

* Như vậy:

- Tổng số đã đề nghị: 25.504 người với số tiền: 42.859.000.000đ;

- Số đã được UBND tỉnh phê duyệt: 16.618 người với số tiền 24.844.960.000đ. UBND thị xã đã chi trả xong cho các đối tượng được phê duyệt.

- Số còn lại chưa được phê duyệt: 8.886 người, với số tiền 18.015.020.000đ.

III- Đánh giá chung:

  1. Mặt được:

   - Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và sự nổ lực của cả hệ thống chính trị thị xã Trảng Bàng đoàn kết, quyết tâm chống đại dịch COVID-19. Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong các cấp hội và quần chúng nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kèm theo đó tuyên truyền các chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID 19 theo Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh.

- Các xã, phường chủ động tiến hành rà soát tất cả các đối tượng được hỗ trợ qua các tổ dân cư, ấp, khu phố và tổ chức xét duyệt danh sách nhóm đối tượng lao động tự do và đặc thù (lao động là người bán vé số) và danh sách lao động đăng ký qua "cổng dịch vụ công quốc gia".

- Sự phối hợp giữa các ngành, các xã, phường nhịp nhàng và đồng bộ trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó  khăn do đại dịch COVID-19.

2. Tồn tại, hạn chế:

 Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 04/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg:

- Về trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chủ doanh nghiệp phải chủ động nộp hồ sơ đề nghị hưởng cho người lao động nhưng tính đến nay lượng hồ sơ UBND thị xã tiếp nhận khoảng 70 hồ sơ với 2.138 lao động, trong khi số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thị xã khoảng 1.015 doanh nghiệp với hơn 55.586 lao động. UBND thị xã đã có văn bản đề nghị các chủ doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ nộp hồ sơ nhưng đến nay số hồ sơ tiếp nhận vẫn chưa nhiều so với nhu cầu thực tế.

- Tiến độ giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại bộ phận tỉnh còn chậm. Tính đến nay, UBND thị xã đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 2.138 người (trong đó có 187 trẻ em, 9 phụ nữ mang thai) với số tiền: 8.295.040.000. Nhưng chỉ được UBND tỉnh phê duyệt 12 người, số tiền 46.520.000 đồng

- Thời gian qua, trên địa bàn thị xã số doanh nghiệp thực hiện theo phương án sản xuất '3 tại chỗ" hoặc " một cung đường, hai điểm đến" cũng nhiều, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng người lao động không đồng ý làm việc và đã thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp này, nên gây khó khăn cho UBND thị xã trong việc hướng dẫn, thẩm định hồ sơ của nhóm đối tượng này.

- Về thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ chính sách cho trẻ em và người điều trị COVID-19, người thực hiện cách ly y tế của cấp trên còn chậm.

- Công chức phụ trách công tác Lao động –Thương binh và Xã hội các xã, phường duy trì trạng thái làm việc liên tục để đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đã huy động toàn bộ nhân lực của mình trong công tác phòng chống dịch (trong đó có công chức Lao động- Thương binh và Xã hội) để thực hiện nhiệm vụ như hỗ trợ truy vết, tiêm vắc xin, trực trong khu cách ly phong tỏa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ khó khăn, BTXH,... Vì vậy, số lượng hồ sơ hỗ trợ lao động tự do được các xã, phường chuyển đến Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội có lúc còn rất chậm.

- Công tác chi trả cho người lao động khi được UBND tỉnh phê duyệt có lúc cũng chưa kịp thời, do phải đảm bảo giãn cách xã hội, người lao động đi lại gặp rất nhiều khó khăn nên việc giải ngân tiền hỗ trợ đến tay người dân còn chậm.

  - Trường hợp người lao động đã dừng tham gia BHXH do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu thì NLĐ tự nộp sơ để hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN nhưng do có rất nhiều trường hợp NLĐ cung cấp số tài khoản cá nhân không chính xác cần có thời gian điều chỉnh dẫn đến nhận tiền chậm so với quy định. 

           IV. Kiến nghị:
             - Đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quan tâm, nhắc nhở các chủ doanh nghiệp trong Khu công ngiệp, Khu chế xuất đẩy nhanh tiến độ nộp sồ sơ các đối tượng lao động được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
             - Đề nghị Sở Lao động Thương binh và XH sớm thẩm định hồ sơ hỗ trợ chính sách cho người điều trị COVID (F0), người thực hiện cách ly y tế (F1) và trẻ em và hồ sơ hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đề xuất UBND tỉnh xem xét phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
            - Đề nghị Sở Lao động Thương binh và XH có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người lao động không đồng ý làm việc và đã thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương tại doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất theo phương án '3 tại chỗ" hoặc " một cung đường, hai điểm đến".
              B. TÌNH HÌNH HỖ TRỢ GẠO VÀ CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI KHÁC:
 
 
 
 
              Được sự quan tâm của Ban cứu trợ Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Bộ Quốc Phòng, UBND tỉnh Tây ninh đã xét hỗ trợ gạo, thăm tặng quà cho các đối tượng hộ không khả năng thoát nghèo nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã

  1. Hỗ trợ gạo:

                  Hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ cho các đối tượng hộ không khả năng thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh với tổng số gạo được hỗ trợ là 15.120 kg gạo, cấp phát cho các đối tượng là: 468 hộ với 1.008 khẩu (trong đó: hộ cận nghèo: 243 hộ với 586 khẩu; hộ nghèo tỉnh 220 hộ với 444 khẩu; hộ khó khăn 8 khẩu)

                  2. Các chính sách an sinh xã hội khác:

                  - Quà Ban cứu trợ Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hỗ trợ thăm và tặng tiền mặt mỗi hộ 670.000đ/hộ cho các đối tượng hộ không khả năng thoát nghèo, hộ cận nghèo với 336 hộ với tổng số tiền là: 225.120.000đ ; (trong đó: hộ cận nghèo 243 hộ, và hộ không khả năng thoát nghèo 93 hộ)

                  - Quà Bộ Quốc phòng thăm và tặng mỗi hộ 300.000đ/hộ cho các đối tượng hộ không khả năng thoát nghèo, hộ cận nghèo với 1.813 hộ với tổng số tiền là: 543.900.000đ; (trong đó: hộ cận nghèo 243 hộ với số tiền là: 72.900.000đ; hộ nghèo tỉnh nghèo 220 hộ với số tiền là: 66.000.000đ; hộ khó khăn: 1.350 hộ với tổng số tiền là: 405.000.000đ)

                  3. Đánh giá:

               Từ khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 04/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh. Được sự quan tâm của Ban cứu trợ Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ, thăm và tặng quà kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID 19 trên địa bàn đã góp phần giải quyết khó khăn tức thời cho các đối tượng và dần dần đi vào ổn định cuộc sống người dân.

             C. THỰC TRẠNG THIẾU HỤT LAO ĐỘNG VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
              I. Thực trạng thiếu hụt lao động
    1. Thực trạng thiếu hụt lao động trong các Doanh nghiệp:

               Dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm 2021: 55/326 doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động, 93/326 doanh nghiệp ngừng hoạt động; 1.279/6.789 lao động ngưng làm việc, 1.451/6.789 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, đã tác động mạnh tới người lao động, toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của khu vực kinh doanh, hợp tác xã, quá trình sản xuất, kênh phân phối, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, gây thiệt hại lớn đối với định hướng phát triển kinh tế của địa phương.  Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động, vì vậy tình hình thiếu hụt lao động đối với doanh nghiệp khá nhiều.
 2. Thực trạng dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do

           Đối với nguồn lao động ngoài địa phương làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp chiếm 30%, số lao động này chủ yếu ở giáp ranh do thực hiện giãn cách tạm ngưng làm việc. Hiện nay doanh nghiệp đang có dấu hiệu khôi phục hoạt động này.
           II. Đề xuất giải pháp
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Ưu tiên triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, duy trì được các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Hai là, Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Ba là, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.

          D. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ:
          Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Quyết định của UBND tỉnh về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
            Ưu tiên triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, duy trì được các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
           Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

          E. KIẾN NGHỊ:
Đề nghị Sở Lao động Thương binh Xã hội có kiến nghị để sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết số 126/2021/NQ-CP, ngày 08/10/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 /NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID 19.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 trên địa bàn thị xã Trảng Bàng./.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,297
  • Tháng hiện tại55,166
  • Tổng lượt truy cập1,448,183

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây