Trảng Bàng: Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023

Thứ ba - 28/11/2023 16:57 121 0
Trảng Bàng: Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023

Thực hiện Quyết định số 394/QĐ-BNN-CLCB ngày 01/03/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023.

Thực hiện Công văn số 349/SNN-VP ngày 03/02/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023.

Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP); đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; tăng cường giám sát, hậu kiểm trên địa bàn thị xã nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

- Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.

2. Yêu cầu

- Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

- Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo ATTP.

- Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định pháp luật, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử thị xã các cơ sở vi phạm và các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn để người dân biết, tránh sử dụng.

- Đảm bảo thực hiện đúng nội dung, tiến độ của Kế hoạch.                                                                                   

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGHAP, GlobalGAP....), thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP…) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bảo đảm ATTP. Trọng tâm là sử dụng đúng cách hoá chất - thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau; thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phụ gia, chất bảo quản trong sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản và tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, các chất ngoài danh mục được phép sử dụng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các hình thức xử lý vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật, bao gồm xử lý hình sự khi vi phạm về ATTP.

- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn mua, chế biến, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm an toàn; có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn công tác bảo đảm ATTP; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

2. Hoạt động kiểm tra

a) Đối tượng

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

b) Các căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010;

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

- Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;

- Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

- Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;

- Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu;

- Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

- Các thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương về bảo đảm an toàn thực phẩm theo từng lĩnh vực cụ thể;

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

c) Nội dung kiểm tra

Trong quá trình kiểm tra tập trung các nội dung:

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).

- Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ).

- Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Hồ sơ tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của cơ sở.

- Hồ sơ công bố hợp quy/phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn.

- Hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ đối với thực phẩm.

- Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, nghị định của Chính phủ có liên quan và các thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

- Quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, rau, thịt, thủy sản và sản phẩm chế biến từ rau, thịt, thủy sản tươi sống.

- Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm.

- Nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm.

- Việc kinh doanh và sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến.

- Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.

d) Phương pháp kiểm tra

Tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở với các nội dung:

- Nghe báo cáo việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh;

- Thu thập tài liệu liên quan;

- Kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm;

- Lập biên bản công bố quyết định, ghi nhận nội dung kiểm tra;

- Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có);

- Tiến hành xử lý trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn kinh phí phân bổ trong Quyết định 7831/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị thị xã năm 2023 của Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1/ Phòng Kinh tế

- Chủ trì theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp, tham gia các đoàn thanh, kiểm tra do Sở Y tế và Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì.

- Xử lý, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y

Tăng cường công tác giám sát và tuyên truyền an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.

3. UBND các xã, phường

a) Cử người tham gia đoàn kiểm tra liên ngành theo yêu cầu.

b) Xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2023.

c) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến việc bảo đảm an toàn thực phẩm đến chợ và Nhân dân. Vận động người dân, các cơ sở sản xuất nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, tham gia phát hiện, tố giác các trường hợp sử dụng hoá chất, kháng sinh gây tác hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.  

d) Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thị xã, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

g) Xử lý kịp thời các trường hợp không đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

4/ Ban quản lý chợ Trảng Bàng, Lộc Hưng, Bình Thạnh

Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định hiện hành.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo các sự cố ngộ độc thực phẩm cho các hộ tiểu thương, cán bộ Ban Quản lý chợ.

Phối hợp cùng đoàn liên ngành khi mỗi khi có đợt kiểm tra chợ.

Hướng dẫn tiểu thương thực hiện những nội dung sau:

 - Thực phẩm kinh doanh trong chợ có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm giả, thực phẩm đã quá hạn sử dụng, chất lượng không đảm bảo.

- Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan thú y.

- Các sản phẩm rau, củ, quả phải có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc.

- Hàng thực phẩm chế biến được bảo quản kỹ, bao gói hợp vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói sảm phẩm

- Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không mắc các bệnh truyền nhiễm.

- Có giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

- 100% tiểu thương kinh doanh thực phẩm được phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP và có cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP.

Các chợ còn lại giao cho Ủy ban nhân dân các phường, xã hướng dẫn cho tiểu thương thực hiện theo các nội dung như trên.

5/ Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh

Phối hợp với Phòng Kinh tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP phù hợp cho từng đối tượng; tăng thời lượng tuyên truyền, kịp thời thông tin các hoạt động về ATTP; dành nhiều thời lượng phát sóng để phổ biến các quy định về ATTP, các kiến thức về cách chọn lựa, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm sạch; thông tin kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo ATTP đến người dân, nâng cao cảnh giác và không sử dụng thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP.

6. Đội Quản lý thị trường số 1

Phối hợp Phòng Kinh tế, đoàn liên ngành và UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

7. Công an thị xã

Phối hợp, cử cán bộ tham gia cùng đoàn liên ngành trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: năm 2023.

2. Chế độ báo cáo

- Giao Phòng Kinh tế chủ trì theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Đề nghị UBND các xã, phường:

+ Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trước ngày 25 hàng tháng.

+ Báo cáo của các cơ quan, đơn vị gửi về Phòng Kinh tế để tổng hợp.

Trên đây là Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023 của Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,639
  • Tháng hiện tại16,287
  • Tổng lượt truy cập2,110,270

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây