Một năm thực hiện nghị quyết chuyển đổi số: Những dấu ấn tích cực

Thứ hai - 22/08/2022 09:13 136 0
Nhìn lại hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 02), công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn tích cực.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh giám sát về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh giám sát về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông

Chuẩn bị tốt “hành lang” pháp lý

Nghị quyết số 02 được ban hành ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tây Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước sớm ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số (CĐS).

Trước đó, tỉnh đã tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính (CCHC), xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp và bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực.

Cụ thể như đưa vào thí điểm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và đã cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, qua đó góp phần thực hiện CCHC, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tây Ninh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xếp vào nhóm khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, tỉnh cũng nhận định, chưa có nhiều đột phá trong xây dựng CQĐT. Do vậy, Nghị quyết 02 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, vừa định hướng, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công việc CĐS của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh uỷ xác định, CĐS giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Đó là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành KT-XH của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn lực phục vụ CĐS tại tỉnh; thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong CĐS tại địa phương. CĐS hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững của địa phương.

Trong Nghị quyết 02, mục tiêu công cuộc CĐS đến năm 2025 là bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu CĐS trong chương trình CĐS quốc gia; cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030 hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu một xã hoàn thành việc CĐS và Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá của cả nước.

Xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số

Năm 2021 là năm xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ CĐS của tỉnh. Sở đã chủ trì triển khai thực hiện các dự án như nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống phòng, chống tấn công mạng, nền tảng chỉ đạo điều hành Egov, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử theo quy định mới, triển khai nền tảng liên thông tích hợp dữ liệu, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia… Ngoài ra, Sở cũng đã thực hiện trang bị một số hệ thống khác theo hình thức thuê dịch vụ CNTT như hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức, giám sát thông tin trên môi trường mạng, hệ thống phản ánh hiện trường, hệ thống trung tâm GSĐH tập trung (IOC), hệ thống quản lý camera giám sát tập trung sử dụng công nghệ AI… Đây là những hạ tầng, nền tảng và ứng dụng quan trọng phục vụ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CĐS của tỉnh trong thời gian tới.

Trong năm 2021, Hệ thống quản lý camera tập trung của tỉnh Tây Ninh đã được cài đặt, vận hành tại Trung tâm GSĐH tập trung. Đến nay, Sở TT&TT đã phối hợp đơn vị triển khai tích hợp hơn 241 camera giám sát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 207 camera giám sát tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã và trung tâm Hành chính công, 4 camera giám sát tại bãi cát, 16 camera giám sát vi phạm giao thông, 30 camera giám sát an ninh trật tự. Từ hệ thống camera đã trích xuất trên 60 trường hợp xe gian, tai nạn giao thông và trên 5.000 trường hợp vi phạm giao thông phục vụ công tác điều tra tội phạm, xử lý vi phạm giao thông cho Công an thành phố Tây Ninh và Công an tỉnh.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Hiện Tây Ninh đã tích hợp 1.001/1.818 thủ tục dịch vụ công mức độ 4 lên Cổng DVC quốc gia. Còn những DVC chưa được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia ở mức độ 4 do không đáp ứng tiêu chí của Văn phòng Chính phủ. Sở TT&TT đã phối hợp với các ngành đánh giá lại các DVC mức 4 để tham mưu UBND tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế. Qua đó, bảo đảm 100% DVC đáp ứng đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 và đáp ứng các yêu cầu của VPCP thì cung cấp ở mức độ 4, các DVC không đáp ứng thì đưa về mức độ 3.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên

Kết quả: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 58.327 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trên tổng 323.964 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 18%.

Chuẩn bị sẵn sàng cho đô thị thông minh

Đầu năm 2021, Sở TT&TT và thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh tích cực xây dựng đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thông qua đề án bị chậm lại.

Hiện nay, Đề án “Chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được Sở Thông tin và Truyền thông trình UBND tỉnh xin chủ trương triển khai thí điểm.

Ngoài ra, Sở TT&TT cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thị xã Hoà Thành đề xuất UBND tỉnh đăng ký với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương 1 mô hình xã thương mại điện tử do Trung ương chỉ đạo để thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Dự kiến mô hình có tên “Xã thương mại điện tử cho sản phẩm chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh”.

Năm 2022: “đột phá” mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành

Theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ TT&TT, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Đối với Tây Ninh, đây cũng sẽ là năm toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trọng tâm là đột phá trong việc liên thông, tích hợp dữ liệu các ngành trực tuyến lên Trung tâm Giám sát, điều hành KT-XH tập trung của tỉnh, nhất là dữ liệu tài chính, ngân sách, đầu tư công. Tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả hệ thống “Giám sát quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu, TTHC cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh”; quyết tâm hoàn thiện việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống một cửa điện tử, DVC của tỉnh; rà soát, công bố lại 100% TTHC đủ điều kiện mức độ 4 lên Cổng DVC quốc gia; tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên 30%.

Đồng thời, Sở TT&TT nỗ lực phối hợp các ngành liên quan và các doanh nghiệp thúc đẩy chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp số; đáng lưu ý, 493 tổ công nghệ cộng đồng đã sẵn sàng đi vào hoạt động…

Để công cuộc CĐS của tỉnh đạt kết quả như mong đợi, cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Tấn Đức, người đứng đầu phải chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ CĐS nói chung, CĐS cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch CĐS cho ngành, lĩnh vực giai đoạn 5 năm và hằng năm. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan ở trung ương, các cơ quan ở địa phương và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật. Riêng đối với các địa phương: thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng phải nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá; hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển CQS, kinh tế số, xã hội số. Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tập trung vào các giải pháp.

Một là, tập trung phát triển nền tảng cho CĐS, trong đó, chú trọng đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS; phát triển hạ tầng số. Bên cạnh đó, trong xây dựng CQS sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, chỉ cần sử dụng một tài khoản đăng nhập cho tất cả các ứng dụng, DVC trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tận dụng các kênh xã hội để tương tác và gia tăng sự tham gia của người dân; hoàn thiện hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Hai là, để phát triển kinh tế số, Tây Ninh tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy CĐS tại các doanh nghiệp; phổ biến kiến thức về công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đang thành công. Mặt khác, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Ba là, tỉnh đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS, hình thành văn hoá số...

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tình hình dịch bệnh ở tỉnh diễn biến phức tạp, ngành TT&TT của tỉnh đã nhanh chóng chuyển trạng thái sang tham mưu ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch, được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao. Trung tâm Giám sát, điều hành KT-XH tập trung triển khai có hiệu quả các kênh giao tiếp trên nền tảng tổng đài 1022, kênh Zalo 1022, kênh Zalo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Tây Ninh… được người dân rất ủng hộ.

Tác giả: quantritrangbang quantritrangbang

Nguồn tin: rd.zapps.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay2,728
  • Tháng hiện tại53,763
  • Tổng lượt truy cập1,446,780

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây