Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022
Cơ sở chính trị
– Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nêu “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính. …Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá…”
– Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã nêu nhiệm vụ “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.
– Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” xác định “sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.
– Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,…
Cơ sở thực tiễn
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019). Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (Luật số 61/2010/QH12) và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Luật số 42/2019/QH14).
Đến nay, sau hơn 20 năm thi hành, các chính sách này đã phát huy tác dụng, là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Một là, cơ chế chính sách có những bất cập nhất định.
Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự năm 2015, dẫn đến thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh. Một số quy định chưa theo kịp với thông lệ quốc tế, các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trong khi trên thị trường bảo hiểm đã có các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trên thế giới và khu vực.
Hai là, thị trường bảo hiểm cũng có những tồn tại.
Tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn; nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, với tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao. Thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện, nên có những tranh chấp phát sinh. Vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức. Có tình trạng phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm. Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do vốn còn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, khả năng kiểm soát rủi ro của một số doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế; chất lượng cán bộ chưa theo kịp và chưa đáp ứng với sự phát triển của thị trường.
Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Tại kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Luật được thông qua có 7 chương với 157 điều, quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam); văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam).
Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Các nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm theo quy định của luật là: Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phi nhân thọ.
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Thực hiện các hành vi gian lận. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xây dựng chiến lược, đề án và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Thực hiện thống kê, dự báo về thị trường bảo hiểm; giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Tôi xin khái quát lại những điểm mới của Luật như sau:
1. Các sửa đổi, bổ sung để thực hiện cam kết của Việt Nam
* Về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
* Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Luật đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
2. Các sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan
* Về hợp đồng bảo hiểm, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật dân sự, dễ áp dụng trên thực tế. Luật cũng đã phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.
Bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Về giải quyết tranh chấp: Bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
* Về đăng ký thành lập doanh nghiệp, Luật bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vùa qua
* Về bảo hiểm bắt buộc, Luật sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
* Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
- Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Luật sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
- Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, Luật bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Về hoạt động nghiệp vụ, Luật quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
- Về các biện pháp can thiệp, Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, ....
- Về công khai thông tin, Luật bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên; công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.
- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật bổ sung nguyên tắc, yêu cầu, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng để phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
* Bảo hiểm vi mô, Luật bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
* Tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo
- Về vốn: chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, phân loại rõ ràng từng loại vốn, yêu cầu doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản.
- Về hoạt động đầu tư: Bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài,... nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Về kiểm toán độc lập: Bổ sung quy định phải có ý kiến xác nhận của kiểm toán độc lập hàng năm đối với Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập.
- Về khả năng thanh toán: Bãi bỏ quy định về biên khả năng thanh toán theo mô hình Biên khả năng thanh toán 1, thay thế bằng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với mô hình vốn tương ứng quy mô và mức độ rủi ro.
Ngoài ra, Luật còn sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước như: bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm./.
Người thực hiện:
Võ Văn Quang – Báo cáo viên pháp luật thị xã Trảng Bàng
Tác giả: quantritrangbang quantritrangbang
Ý kiến bạn đọc