TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT (Dành cho đối tượng là người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và nhân dân)

Thứ ba - 01/11/2022 18:08 301 0
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT (Dành cho đối tượng là người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và nhân dân)
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

SỞ TƯ PHÁP TÂY NINH

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

(Dành cho đối tượng là người đang bị áp dụng biện pháp

giáo dục tại xã, phường, thị trấn và nhân dân)

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Sau đây là một số nội dung quan trọng được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính:

1. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (Điều 5):

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này.

Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

2. Tình tiết giảm nhẹ (Điều 9):

Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

3. Tình tiết tăng nặng (Điều 10):

1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm hành chính có tổ chức;

b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;

c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;

đ) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;

g) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;

h) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;

i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

k) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;

l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;

m) Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

2. Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

4. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính (Điều 11):

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

5. Những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12):

1. Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.

4. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

5. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.

6. Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

7. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.

8. Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

8a. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

9. Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

10. Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

11. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

12. Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

6. Bồi thường thiệt hại (Điều 13):

1. Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Trách nhiệm đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính (Điều 14):

1. Cá nhân, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong tổ chức mình.

2. Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 15):

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.

9. Xử phạt vi phạm hành chính:

9.1. Các hình thức xử phạt (Điều 21):

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

- Trục xuất.

9.2. Các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 28):

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

- Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

- Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

10. Các biện pháp xử lý hành chính:

10.1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 89):

1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

* Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 90):

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.

5. Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm.

7. Người quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại khoản 5 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên quy định tại khoản 5 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý.

10.2. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91):

1. Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 của Luật này nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng.

* Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 92):

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

10.3. Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93):

1. Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 94 của Luật này để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng.

* Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 94):

1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bao gồm:

a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;

b) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người chưa đủ 18 tuổi;

c) Nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi;

d) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

đ) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

10.4. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95):

1. Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.

* Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 96):

1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

11. Những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính:

11.1. Quy định chung về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên:

11.1.1. Áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 135):

1. Các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

c) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

d) Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

11.1.2. Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Điều 136):

Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý, trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì phải ở tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

11.1.3. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 137):

1. Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

2. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

11.2. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 138):

1. Nhắc nhở;

2. Quản lý tại gia đình;

3. Giáo dục dựa vào cộng đồng.

-----oOo-----

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,001
  • Tháng hiện tại44,358
  • Tổng lượt truy cập2,329,766

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây