Trảng Bàng: Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn thị xã năm 2023

Thứ ba - 28/11/2023 16:54 82 0
Trảng Bàng: Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn thị xã năm 2023

 

Căn cứ Quyết định số 2445/QĐ-UBND ngày 10/01/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023.

 UBND thị xã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn thị xã năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản; kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn thị xã. Góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Triển khai các biện pháp phòng bệnh: tiêm phòng vắc xin, giám sát dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, tăng cường công tác truyền thông, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; kiểm soát ấp nở gia cầm.

- Tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh đã xây dựng; tổ chức xây dựng mới các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khi có nhu cầu của người chăn nuôi.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tiêm phòng

a) Đối với bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò

Do hiệu lực bảo hộ của vắc xin trên 12 tháng nên sẽ tổ chức 01 đợt tiêm phòng chính trước thời điểm dịch bệnh đã xảy ra và mùa của các véc tờ truyền bệnh phát sinh.

b) Đối với các loại vắc xin còn lại

- Tổ chức 02 đợt tiêm phòng chính trong năm.

- Đối tượng tiêm phòng: trâu, bò, heo, gà, vịt, ngan, cút, chó trong diện tiêm phòng.

c) Hỗ trợ tiêm phòng (chỉ hỗ trợ trong đợt tiêm phòng chính)

- Các loại vắc xin được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng (bao gồm tiền mua vắc xin và tiền công tiêm phòng):

+ Vắc xin phòng bệnh LMLM.

+ Vắc xin phòng bệnh CGC.

+ Vắc xin phòng bệnh VDNC.

- Các loại vắc xin được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin (chủ hộ tự lo tiền công tiêm phòng):

+ Vắc xin LMLM trên heo, dê.

+ Vắc xin phòng bệnh Dại chó.

d) Tiêm phòng bổ sung

Ngoài đợt tiêm chính, các trang trại, hộ chăn nuôi cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và tự lo kinh phí thực hiện.

e) Thời gian tiêm phòng

Theo Kế hoạch phân bổ vắc xin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Giám sát dịch bệnh

a) Giám sát chủ động:

- Giám sát sự lưu hành vi rút: Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh Heo tai xanh; bệnh Thủy sản; bệnh LMLM trên địa bàn thị xã.

- Giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại cơ sở an toàn dịch bệnh: chủ cơ sở tự lo kinh phí.

- Giám sát chủ động sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm theo Chương trình quốc gia: Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

- Giám sát sau tiêm phòng: Lấy mẫu huyết thanh sau tiêm phòng Cúm gia cầm.

- Lấy mẫu huyết thanh sau tiêm phòng LMLM.

b) Giám sát bị động: Khi có dịch bệnh xảy ra.

3. Vệ sinh tiêu độc khử trùng

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất nhằm triệt tiêu đường truyền lây của mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Tổ chức 04 đợt tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn, cơ sở giết mổ và nơi công cộng.

4. Truyền thông

Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y mở lớp tập huấn về công tác phòng chống bệnh Dại chó và bệnh viêm da nỗi cục.

5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn.

- Thực hiện theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tăng cường hoạt động kiểm dịch vận chuyển nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh và lây lan.

6. Xử lý ổ dịch

Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản cần phải nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch và xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và các văn bản hướng dẫn về kỹ thuật của Cục Thú y.

7. Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học

- Thực hiện theoThông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở nhất là các cơ sở sản xuất con giống.

8. Quản lý chăn nuôi và dịch bệnh

a) Quản lý chăn nuôi

Nhằm nắm bắt kịp thời tình hình chăn nuôi để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp; các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thị xã phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã; mỗi quý 01 lần, thời gian từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo mẫu quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi; nếu không thực hiện sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

b) Quản lý dịch bệnh

- Điều 4 của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định: các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng một số điều kiện, trong đó có điều kiện “Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương”. Vì vậy, đối với những hộ không chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm (đối với các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin như LMLM, CGC, VDNC trâu, bò) sẽ tự chịu trách nhiệm khi vật nuôi bệnh, chết; Nhà nước sẽ không hỗ trợ thiệt hại.

- Riêng đối với bệnh DTHCP, căn cứ quy định về nuôi tái đàn heo theo Quyết định số 972/QĐ-TTg “chính quyền và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh”. Do vậy, đối với các trang trại, hộ chăn nuôi đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ thiệt hại, heo phải tiêu huỷ do mắc bệnh DTHCP trong những năm qua sẽ không được xem xét hỗ trợ nếu chưa được UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Ngân sách tỉnh: Tiêm phòng (mua vắc xin, công tiêm phòng…), lấy mẫu giám sát, chi phí xét nghiệm, tiêu độc sát trùng, truyền thông, tập huấn; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Ngân sách thị xã chủ động sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra như: Hỗ trợ tiêu hủy, hỗ trợ cán bộ thú y, người tham gia chống dịch, kinh phí xử lý ổ dịch…

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các xã, phường

- Xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động, phòng, chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Phối hợp với phòng Kinh tế xử lý ổ dịch, tổ chức giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, thực hiện công tác thú y, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường.

- Rà soát, thống kê đàn vật nuôi của địa phương làm cơ sở phục vụ công tác phòng, chống bệnh.

- Vận động người dân chuyển đổi chăn nuôi thả rông gia súc, gia cầm sang chăn nuôi có kiểm soát, có chuồng trại, để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

2. Phòng Kinh tế

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 trên địa bàn thị xã.

- Phối hợp với Trung tâm Y tế trong việc giám sát và phòng, chống các bệnh động vật lây sang người theo quy định.

- Phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao và truyền thanh thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Chủ trì, phối hợp với các phòng, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường hỗ trợ tiêu thụ gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản, quy hoạch các chợ buôn bán gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm.

3. Phòng Tài chính và Kế hoạch

Tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã đảm bảo kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023.

4. Phòng Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với phòng Kinh tế hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

5. Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng

Phối hợp với Phòng Kinh tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh từ gia súc, gia cầm và thủy sản lây sang người.

6. Đội Thanh tra giao thông số 05

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.

7. Phòng Văn hóa và Thông tin

Chủ trì, phối hợp với phòng Kinh tế, các phòng, ngành và các xã, phường có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023.

8. Đồn Biên phòng Phước Chỉ

- Tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

- Chỉ đạo, hướng dẫn trong toàn quân tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống bệnh, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và thủy sản;sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

9. Đội quản lý thị trường số 1

Phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản không rõ nguồn gốc trên thị trường.

11. Công an thị xã

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các xã, phường thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với lực lượng chức năng các phòng, ban, ngành, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản không rõ nguồn gốc.

- Lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản nhập lậu qua biên giới.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn thị xã Trảng Bàng năm 2023. Đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay238
  • Tháng hiện tại56,996
  • Tổng lượt truy cập2,265,391

học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM
Công khai minh bạch
góp ý dự thảo
hợp không giấy
Thư điện tử
công báo tỉnh
cải cách hành chính
dịch vụ điện trực tuyến
xúc tiến đầu tư
csdl quốc gia
ZALO OA Phòng LĐTBXH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây