Trong những năm qua, huyện Trảng Bàng đã đạt được nhiều thành tựu khả quan trên nhiều lĩnh vực, GDP tăng đều hàng năm, giữ vững cân đối ngân sách, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên 75%, đồng thời tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ở nội thị ngày càng tăng, làm cho đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chú trọng và giảm tỷ lệ hộ nghèo; tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, hiện đại. Tổng thu ngân sách trên địa bàn có xu hướng tăng dần hàng năm cụ thể năm 2017 đạt 618.616 tỷ đồng, năm 2018 đạt 644.796 tỷ đồng. Chi ngân sách trên địa bàn năm 2017 là 578.347 tỷ đồng, năm 2018 là 645.725 tỷ đồng; cân đối thu chi ngân sách huyện đảm bảo cân đối dư.
Huyện Trảng Bàng có đầy đủ các tiêu chuẩn để thành lập Thị xã và các phường thuộc Thị xã theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV theo Quyết định số 1709/QĐ-BXD ngày 28/12/2018 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng;
Ngoài ra, việc thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh còn phù hợp với định hướng Quy hoạch vùng tỉnh, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh Tây Ninh định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trảng Bàng. Chính vì vậy, việc thành lập thị xã hết sức cần thiết, cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Trảng Bàng nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Để đảm bảo được các tiêu chuẩn thành lập Thị xã Trảng Bàng thì cần thực hiện sáp nhập xã Bình Thạnh và xã Phước Lưu thành 01 đơn vị hành chính mới với tên gọi dự kiến là xã " Phước Bình", do xã Phước Lưu và xã Bình Thạnh thiếu diện tích và dân số chưa đủ tiêu chuẩn xã thuộc thị xã theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, tiến hành thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Gia Lộc và thị trấn Trảng Bàng để mở rộng thị trấn Trảng Bàng và thành lập phường "Trảng Bàng" trên cơ sở sáp nhập ấp Gia Huỳnh thuộc xã Gia Lộc vào thị trấn Trảng Bàng để có diện tích tự nhiên và dân số đảm bảo các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phường.
Thành lập Phường Gia Lộc trên cơ cở một phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của xã Gia Lộc sau khi sáp nhập diện tích tự nhiên, dân số của ấp Gia Huỳnh vào thị trấn Trảng Bàng.
- Thanhg lập các phường Lộc Hưng, An Hòa, An Tịnh, Gia Bình trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của xã Lộc Hưng, An Hòa, An Tịnh, Gia Bình.
Nhằm đảm bảo sự đồng thuận và nhất trí cao giữa chính quyền và nhân dân địa phường, Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bàng thực hiện triển khai kế hoạch về việc lấy ý kiến cử tri phạm vi trên toàn địa bàn huyện, đối tượng cử tri là người đang sinh sống tại địa phương và đủ 18 tuổi trở lên với hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình được diễn ra từ ngày 9/8/2019 đến ngày 13/8/2019.
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ, thì quyền và nghĩa vụ của cử tri được quy định như sau:
1. Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến cử tri.
2. Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.
3. Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
4. Trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.
Bên cạnh đó, Sau khi sáp nhập xã Bình Thạnh và xã Phước Lưu, điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Gia Lộc và thị trấn Trảng Bàng để mở rộng thị trấn Trảng Bàng và thành lập phường, một số loại giấy tờ có liên quan đến công dân sẽ phải chuyên đổi cho phù hợp với đơn vị hành chính mới như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…Trình tự, thủ tục, địa điểm thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính cấp xã: các cơ quan có liên quan như Công an huyện, Phòng Tư pháp và Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho công dân sau khi sáp nhập nhằm đảm bảo được các quyền và lợi ích cho người dân.
Ý kiến bạn đọc