Phương hướng của các cấp học
Đối với giáo dục mầm non
- Rà soát, điều chỉnh và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá và sáng tạo của trẻ theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học” của trẻ, chú trọng giáo dục hình thành các thói quen phù hợp với độ tuổi của trẻ, với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và yêu cầu của xã hội hiện đại; chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn; bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng. Ưu tiên các nguồn lực hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.
- Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đề nghị thẩm định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, môi trường “học bằng chơi” cho trẻ tại trường, lớp mầm non, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.
- Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ.
- Tập trung kiểm tra công tác quản lý trường bán trú tại các trường MN, MG công lập và việc tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc nâng cao tỷ lệ trẻ mẫu giáo học bán trú trên địa bàn thị xã, trong đó ưu tiên trẻ mẫu giáo 5 tuổi được học bán trú.
- Tham mưu cấp trên có chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với học sinh mầm non, giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
- Công tác phổ cập:
+ Tăng tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở những nơi có điều kiện, duy trì tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
+ Tiếp tục duy trì vững chắc chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi cho 10/10 đơn vị xã, phường.
Đối với giáo dục tiểu học
- Thực hiện rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất; tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục:
+ Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2 và lớp 3:
Đảm bảo tỷ lệ 01 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định; tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh tự hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình.
+ Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 4 và lớp 5:
Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, phòng giáo dục và đào tạo giao quyền chủ động cho các trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
- Tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 đảm bảo các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Công văn số 1075/SGDĐT-GDTH ngày 15/5/2020 của Sở GDĐT một cách linh hoạt, phù hợp. Tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm tiếng Anh theo Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010 đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 ở những trường đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
- Tổ chức triển khai thực hiện dạy học môn Tin học và tổ chức hoạt động giáo dục tin học thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2717/SGDĐT-GDTH ngày 19/11/2019 của Sở GDĐT. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức dạy học môn Tin học tự chọn ở các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng số lượng trường, lớp, học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 được học môn Tin học.
- Tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học: Đối với học sinh lớp 4, lớp 5 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tiếp tục được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GDĐT. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GDĐT.
+ Học sinh hoàn thành chương trình lớp học (lên lớp) đạt tỉ lệ trên 98%.
- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; tổ chức các hoạt động trải nghiệm; xây dựng, phát triển thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
- Tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4 và trang bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong trường tiểu học theo quy định, tập huấn sử dụng sách giáo khoa. Triển khai kế hoạch tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho CBQL và GV các mô đun còn lại theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và Công văn số 5932/BGDĐT-QLCL ngày 28/12/2018 hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát thực trạng hiện nay của từng địa bàn và xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn trong năm 2021 và cho những năm sắp tới; duy trì tỉ lệ số xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
+ Huy động trẻ 6 tuổi (2016) vào lớp 1 đạt tỉ lệ 100%.
+ Trẻ 11 tuổi (2012) hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ trên 95%.
+ Tỉ lệ HS bỏ học dưới 1%.
Đối với giáo dục trung học
- Các trường THCS chủ động rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của cấp học với khung thời gian 35 tuần thực học.
- Tổ chuyên môn của trường THCS xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn; xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
- Tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày ở các trường THCS có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, giúp tăng cường thời lượng cho các hoạt động phụ động học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoạt động giáo dục trãi nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với đối tượng học sinh.
- Tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục, tăng cường mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học - giáo dục, đánh giá trong quá trình dạy
học - giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
- Tổ chức cho giáo viên tiếng Anh theo học các lớp bồi dưỡng năng lực theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng yêu cầu dạy học ngoại ngữ hiện nay; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, khai thác có hiệu quả trang mạng “trường học kết nối”, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý qua việc tổ chức hoạt động chuyên môn tại trường và cụm trường.
- Triển khai và phát động giáo viên, học sinh THCS tham gia có hiệu quả các cuộc thi do Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
- Công tác phổ cập:
+ 100% xã, phường giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS.
+ Thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS vào học các lớp 10 phổ thông, bổ túc văn hóa (BTVH), trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đạt tỉ lệ 90% trở lên.
Đối với trung tâm VH-TT-HTCĐ
- Củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cộng tác viên các trung tâm VH-TT-HTCĐ; nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị này nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng. Tổ chức đánh giá xếp loại “Cộng đồng học tập” theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- 100% xã, phường thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị.
- Có ít nhất 60% trung tâm ứng dụng phần mềm CLC-MIS.EDU quản lý đã được tập huấn.
- 100% trung tâm VH-TT-HTCĐ mở được các lớp chuyên đề, ít nhất 2 chuyên đề/tháng (trong đó có 01 chuyên đề về giáo dục kĩ năng sống), mỗi trung tâm 24 chuyên đề/năm.
- Phấn đấu 100% trung tâm hoạt động đạt hiệu quả tốt.
- Phối hợp trung tâm GDNN-GDTX thị xã, trường THCS mở các lớp bồi dưỡng “kỹ năng sống” cho các đối tượng tại các trung tâm VH-TT-HTCĐ xã, phường.
Chống mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ
- 10/10 đơn vị xã, phường giữ vững chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 1.
- Ít nhất 99,9% số người trong độ tuổi 15-35 biết chữ mức độ 1, nâng số lượng người biết chữ mức độ 1 ở độ tuổi từ 36-60 tuổi.
- Thực hiện 63,4% số xã, phường đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các bậc học MN, TH, THCS, cần rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu hiện nay, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các bậc học MN, TH, THCS có thể đạt chuẩn theo yêu cầu. Trong năm học 2022-2023, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
- Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các bậc học MN, TH, THCS theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
- Tạo điều kiện cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các các bậc học MN, TH, THCS theo yêu cầu của chuẩn/tiêu chuẩn ban hành. Quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các bậc học MN, TH, THCS.
- Rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục để có những kiến nghị, đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thị xã điều chỉnh cho phù hợp.
- Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngành giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường truyền thông những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình tiên tiến xuất sắc nhằm khơi dậy nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ.
- Rà soát đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn
2019-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án 117/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ tăng cường ứng dụng CNTT trong GDĐT.
- Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số
29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử và chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong năm học
2022 - 2023 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai cổng thông tin điện tử ở các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông.
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin toàn ngành theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Công tác kế hoạch tài chính
- Triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tổ chức tập huấn chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản, tự chủ kinh phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đào tạo nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục.
- Tham mưu với các cấp lãnh đạo đầu tư kinh phí xây dựng sửa chữa bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo.
Công tác thanh tra, kiểm tra
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý giáo dục và việc thực hiện nhiệm vụ tại các trường học. Tập trung thanh tra có chiều sâu các hoạt động kiểm tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; đẩy mạnh việc thực hiện công tác tự kiểm tra của trường học.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân giải quyết kịp thời.
- Thực hiện nghiêm Quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thị xã.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.
Trên đây là phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 của phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Trảng Bàng.
Tác giả: quantritrangbang quantritrangbang
Ý kiến bạn đọc